THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Giương cao Con Người lên (4.4.2017 – Thứ ba Tuần 5 Mùa Chay)

Thứ ba - 04/04/2017 10:06
Giương cao Con Người lên (4.4.2017 – Thứ ba Tuần 5 Mùa Chay)
Giương cao Con Người lên
 
Lời Chúa: Ga 8, 21-30
 
Khi ấy, Đức Giêsu nói với những người Biệt phái rằng: “Tôi ra đi, các ông sẽ tìm tôi, và các ông sẽ mang tội mình mà chết. Nơi tôi đi, các ông không thể đến được.” Người Do thái mới nói: “Ông ấy sẽ tự tử hay sao mà lại nói: ‘Nơi tôi đi, các ông không thể đến được’?” Người bảo họ: “Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.” Họ liền hỏi Người: “Ông là ai?” Đức Giêsu đáp: “Hoàn toàn đúng như tôi vừa nói với các ông đó. Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói.” Họ không hiểu là Đức Giêsu nói với họ về Chúa Cha. Người bảo họ: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy. Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người.” Khi Đức Giêsu nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người.
 
Suy niệm:
 
“Khi các ông giương cao Con Người lên…” (c. 28).
 
Đó là cách diễn tả về cái chết của Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan.
 
Cái chết trên thập giá đúng là một sự giương cao nhục nhã, đau đớn.
 
Đức Giêsu bị treo lên cây gỗ như một kẻ bị Thiên Chúa nguyền rủa.
 
Những kẻ giương cao Ngài lên là các ông, các nhà lãnh đạo Do-thái.
 
Họ đã giết Đức Giêsu vì nhiều lý do.
 
Lý do lớn nhất là vì Ngài đã dám sống trọn vẹn cho Cha và cho con người.
 
Sống công chính đã khiến Ngài trở nên nạn nhân cho cái chết bất công.
 
Cái chết của Đức Giêsu gắn kết Ngài với muôn triệu cái chết khác
 
của những người vô tội trong suốt dòng lịch sử.
 
Nhưng cái chết của Đức Giêsu còn nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
 
Thiên Chúa đã biến cái chết ghê rợn của Con Ngài thành dấu chỉ của tình yêu.
 
Nhìn lên thánh giá, chúng ta thấy tình yêu của Cha tặng trao cho nhân loại.
 
Cha đã tặng tình yêu lớn nhất là chính Con Một của mình.
 
Vì thế có thể nói chính Cha đã giương cao Con mình trên thánh giá.
 
“Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc,
 
Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy” (Ga 3, 14).
 
Đức Giêsu được giương cao bởi chính Thiên Chúa qua cái chết của Ngài.
 
Như dân Do thái xưa đã nhìn lên con rắn bằng đồng để được sống,
 
ai nhìn lên thánh giá và tin vào tình yêu, người ấy sẽ được cứu độ.
 
Thập tự giá không còn là dấu hiệu của cái chết bất lực của một nạn nhân.
 
Nó đã trở nên thánh giá với sức mạnh phi thường.
 
“Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất,
 
tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32).
 
Qua việc giương cao này, sức thu hút mạnh mẽ của thánh giá được bày tỏ.
 
Cả nhân loại được nâng lên khỏi cái nặng nề tội lỗi của chính mình.
 
Đấng chịu đóng đinh vẫn lôi kéo cả vũ trụ này mãi cho đến tận thế.
 
Cuối cùng, có thể nói chính Đức Giêsu đã tự giương cao mình trên thánh giá.
 
“Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được,
 
nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10, 18).
 
Cái chết là kết quả tất yếu của một cuộc sống dám để Cha chi phối trọn vẹn.
 
“Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì…
 
Chúa Cha dạy tôi thế nào thì tôi nói như vậy…
 
Tôi luôn luôn làm những điều đẹp ý Người” (cc. 28-29).
 
Đức Giêsu đã sống trung tín như một Người Con, người được Cha sai.
 
Cha lúc nào cũng ở với Ngài, nên Ngài không biết đến cô đơn (c. 29).
 
Mỗi Kitô hữu cũng được giương cao trên thánh giá riêng của đời mình.
 
Và khi tôi gắn thánh giá của tôi với thánh giá của Giêsu,
 
thánh giá nhỏ bé ấy sẽ có sức kéo nhiều người lên với Giêsu.
 
Cầu nguyện:
 

Lạy Cha, xin ban cho con điều khó hơn cả,
 
đó là ơn nhận ra Thánh giá của Con Cha
 
trong mọi nỗi khổ đau của đời con,
 
và ơn bước theo Con Cha trên đường Thánh giá,
 
bao lâu tùy ý Cha định liệu.
 

Xin đừng để con trở nên chua chát
 
nhưng được trưởng thành nhờ đón nhận đau khổ
 
với sự kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ
 
và lòng khát khao nóng bỏng
 
có ngày sẽ được ở nơi không còn khổ đau.
 
Ngày đó, Cha sẽ lau khô mọi giọt lệ
 
của những người đã yêu mến Cha,
 
đã tin vào tình yêu Cha giữa nỗi thống khổ,
 
tin vào ánh sáng của Cha giữa đêm đen.
 

Nhờ Cha, ước gì đau khổ của con
 
nói lên lòng tin của con
 
vào những lời hứa của Cha,
 
lòng cậy của con vào tình yêu trung tín của Cha,
 
và lòng mến mà con dành cho Cha.
 

Lạy Cha, xin cho con yêu Cha hơn yêu bản thân,
 
và yêu Cha chỉ vì Cha,
 
chứ không mong phần thưởng.
 

Ước gì Thánh giá trở nên mẫu gương cho con,
 
là ánh sáng cho đêm tăm tối,
 
nhờ đó con không còn coi khổ đau
 
như một tai họa hay một điều vô lý,
 
nhưng như một dấu chỉ cho thấy
 
con đang thuộc về Cha mãi mãi.
 

Karl Rahner

Nguồn tin: Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập95
  • Hôm nay21,437
  • Tháng hiện tại292,056
  • Tổng lượt truy cập13,576,430
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây