Giáo xứ Sông Hinh - Nhà Cha Ta Là Nhà Cầu Nguyện (Mt 21,13)

https://giaoxusonghinh.org


Thứ Ba Tuần XXVIII Thường Niên B

Tin Mừng Lc 11: 37-41: Chúa phán cùng ông ấy rằng: "Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén dĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác...
Thứ Ba Tuần XXVIII Thường Niên B

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 11: 37-41)

Khi ấy, lúc Chúa Giêsu còn đang nói, thì có một người biệt phái mời người dùng bữa tại nhà ông.Người đi vào và ngồi vào bàn ăn. Nhưng người biệt phái ngạc nhiên, nghĩ trong lòng rằng: "Tại sao Người không rửa tay trước khi dùng bữa". Bấy giờ Chúa phán cùng ông ấy rằng: "Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén dĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Đấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao? Hãy đem những cái bên trong ra mà bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông".

Suy niệm

Người Do Thái tự hào vì được Thiên Chúa cứu thoát họ, giải phóng họ trong nhiều tình huống bi đát, nhất là giải phóng họ khỏi tay vua Ai Cập. Họ tôn thờ Thiên Chúa và lo giữ mọi điều Ngài truyền cho họ qua các ngôn sứ. Đây là điều rất tích cực. Nhưng ngoài ra họ còn đặt thêm nhiều tập tục theo tiền nhân như rửa tay, rửa chén, rửa bình, v.v. Thực tế theo luật, thì không buộc phải rửa tay trước khi ăn một bữa ăn bình thường. Nhưng đây là tập tục riêng của người Pharisêu, và họ coi nó như là một đòi hỏi của luật pháp cho mọi người. 

Chúa Giêsu đến giải thoát họ. Ngài cũng giải thoát họ khỏi những tình trạng nô lệ, vụ luật. Ngài cũng dạy cho các người Biệt phái hãy để ý đến tinh thần của lề luật hơn là những hình thức bên ngoài. Cần phải thanh tẩy tâm hồn, giữ tâm hồn luôn trong sạch. Chúa chỉ cho họ thấy rằng việc thanh tẩy bề ngoài không làm cho tâm hồn được thanh sạch, mà nhiều khi còn đánh lừa chính mình và những người chung quanh. Họ làm như vậy là tự lừa dối mình, cho mình một sự an tâm giả tạo là tâm hồn mình đã tốt đẹp. Như vậy, họ gán cho người khác cái nhìn sai lạc so với bản thân mình. Vì thế họ đã bị Chúa Giêsu đả kích, phê bình về thái độ này: “Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Đấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao?

 

Một dấu chỉ cho sự trong sạch nội tâm là hành động bác ái yêu thương. Đây là một điều mới mẻ và độc đáo trong Tin Mừng. Khi làm việc bác ái hay lòng yêu thương anh chị em thì có sức thanh tẩy tâm hồn. Việc bác ái yêu thương thể hiện qua hành vi giúp đỡ người nghèo cũng là mục đích của lề luật. Sống bác ái với mọi người, xây dựng cộng đồng, là thể hiện điều mà toàn thể lề luật muốn chúng ta hoàn tất.

Thánh nữ Magarita sinh năm 1647, tại nước Pháp. Năm 1671, Magarita gia nhập dòng, dâng kính đời mình cho Đức Mẹ. Điều hết sức lạ lùng là, trong cuộc tĩnh tâm khấn dòng tháng 11.1672, thánh nữ Magarita thấy Chúa Giêsu hiện ra, đầu đội mão gai, vai vác thánh giá, toàn thân đầy thương tích, trái tim loang máu đỏ thoát ra khỏi lồng ngực. Chúa Giêsu nói với thánh nữ: “Đây là trái tim Cha yêu mến loài người quá bội, nhưng loài người đã vô tình phụ bạc. Con hãy mời gọi mọi người tôn sùng trái tim Cha, để đáp lại tình thương của Cha”. Chúa Giêsu còn hiện ra nhiều lần và giao cho thánh nữ nhiệm vụ truyền bá lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa.

Lạy Chúa, thái độ giả hình và vụ luật làm cho người đời đánh giá sai lạc theo bề ngoài. Nhưng Thiên Chúa lại đánh giá bằng tình yêu bên trong như Chúa Giêsu đã mạc khải cho thánh nữ Magarita. Xin dạy chúng con sống bằng tinh thần của lề luật là mến Chúa, yêu người. Xin cho chúng con mặc lấy tinh thần Tin Mừng, biết sống bác ái cách âm thầm để đền tạ Thánh Tâm Chúa và đền bù tội lỗi chúng con. Amen.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây