Giáo xứ Sông Hinh - Nhà Cha Ta Là Nhà Cầu Nguyện (Mt 21,13)

https://giaoxusonghinh.org


Đức ái với người đồng loại - Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên

Tin mừng Lc 14: 12-14: Qua trang Tin Mừng chúng ta thấy nghịch lý của của người đời, một nghịch lý mà bao người đời có lẽ không áp dụng hoặc chỉ áp dụng trong một vài trường hợp đặc biệt vì danh dự, vì muốn đền bù tội lỗi…
Đức ái với người đồng loại - Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên

Thánh sử Luca là một con người đặc biệt. Ngài được ban tặng danh hiệu là “Văn sĩ ca tụng lòng nhân hậu của Đức Giêsu”. Đức Kitô dưới cây bút của ngài là một vị Tình Yêu giàu lòng thương xót, nhất là đối với những người tội lỗi, yếu đuối, bệnh tật và nghèo khổ.

Trong giáo huấn của Chúa Giêsu, thánh sử Luca cố ý làm nổi bật luật sống hằng ngày của người môn đệ và một trong luật sống đó là: biểu lộ đức ái đối với người đồng loại, kẻ bấc cùng trong xã hội là nội dung chính của bài Tin Mừng hôm nay.

Mở đầu câu 12, thánh sử giới thiệu đối tượng mà Chúa Giêsu muốn nhắc họ về luật bác ái: “Người nói với kẻ đã mời Người”. Có lẽ ông chủ làm tiệc đãi khách này rất lo sợ, khi thấy Chúa Giêsu dùng trường hợp của mình như một đề tài cho bài giảng của Ngài. Nhưng có lẽ Chúa cũng thầm cảm ơn ông đã cho Ngài cơ hội dạy dỗ dân chúng về luật bác ái: “khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, đừng kêu bà con hoặc láng giềng giàu có…”. Vì sao Chúa Giêsu lại ngăn cản ông chủ việc này? Đây là những người bạn thân thiết cùng sống, cùng khổ với ông. Đây là những bà con thân thuộc, anh em ruột thịt sát cánh với ông trong buồn vui. Đây là những người láng giềng giàu có đã cho ông vay mượn tiền bạc, lúa thóc, bánh rượu…

Qua trang Tin Mừng chúng ta thấy nghịch lý của của người đời, một nghịch lý mà bao người đời có lẽ không áp dụng hoặc chỉ áp dụng trong một vài trường hợp đặc biệt vì danh dự, vì muốn đền bù tội lỗi… Như chúng ta thấy nhiều “ đại gia” ngày nay dến thăm các trung tâm cô nhi, khuyết tật, dưỡng lão… Chúng ta không nghi ngờ hay xét đoán hành vi của người nào, nhưng thử hỏi mỗi người chúng ta có dám hi sinh, dấn thân mà trong lòng không vướng một tư lợi nào không? Làm để được khen, được thưởng, để gây chú ý, để kiếm tình cảm của ai đó…

Ta thấy như trang Tin Mừng kể, bây giờ khó khăn lắm hay họa hiếm lắm ông mới tổ chức một bữa tiệc, mà lại không mời họ, coi sao được? Chúng ta nghe lý do mà Chúa Giêsu nêu ra “kẻo họ mời lại ông và như thế ông đã được đáp lễ”.

Hoá ra là vậy ! Có vay, có trả. Một cuộc ngã giá song phương. Nay tôi, mai anh. Như thế, nếu ông mời họ. Họ sẽ mời lại ông. Ông không bị thiệt. Ông được đền bù xứng đáng, có khi còn có lợi hơn. Đó là một phần thưởng đã được trả lại ngay ở đời này, vậy đâu còn chỗ cho Thiên Chúa trả lại cho ông trong ngày sau hết nữa?

Và Chúa Giêsu dạy ông phải mời hạng người nào? Thánh sử dùng từ thật chính xác “trái lại” nghĩa là ngược lại điều thiên hạ vẫn thường làm Chúa muốn ông đừng theo họ. “Hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù”. Chúa Giêsu yêu cầu ông mời những người mà có lẽ không có mặt trong buổi dự tiệc hôm ấy.

Có lẽ những người này nằm ngoài danh sách ông tuyển chọn và có khi chẳng bao giờ ông nghĩ tới. Vì sao Chúa Giêsu lại dạy là phải mời họ? Thưa “ vì họ không có gì đáp lễ”. Họ nghèo nàn, túng thiếu, ăn không no, mặc không ấm thì làm sao có tiền để trả lễ lại cho ông chủ. Bữa ăn hôm nay họ còn chưa có, thì làm sao họ có được những bữa tiệc thịnh soạn để thết đãi lại ông chủ đã mời họ? Nhưng nếu ông làm như vậy “ mới thật có phúc vì ông được đáp lễ trong ngày kẻ lành sống lại”. Câu nói này như khẳng định những người lành sẽ được sống lại trong ngày sau hết, ngày mà Thiên Chúa đến viếng thăm dân Người cũng là ngày chung cuộc của thế giới.

Chúa Giêsu dạy chúng ta ý nghĩa thực sự của lòng quảng đạiKitô giáo: Hãy học cách để cống hiến chính mình cho người khác. "Khi nào bạn đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại bạn, và như thế bạn được đáp lễ rồi. ” (Lc 14, 12). 

Người Kitô hữu chúng ta hài hoà sống trong thế giới này cũng như những bao nhiêu người nào khác, nhưng mục đích căn bản của chúng ta là đối phó với những người chung quanh, láng giềng không thể là phần thưởng nơi con người hoặc hư vinh, trên tất cả mọi thứ khác, chúng ta phải tìm kiếm sự vinh quang của Thiên Chúa  trước hết cũng như không hề nghĩ đến sự báo đáptrả ơn nào khác hơn là thiên đàng. " khi bạn đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù.  Vì họ không có gì đáp lễ, và như thế, bạn mới thật có phúc: vì bạn sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại". Lc 42, 13-14).

Chúa mời gọi tất cả chúng ta cống hiến chính chúng ta cho mọi người và nhân loại một cách vô điều kiện , chỉ có tình yêu thương của chúng ta cho Thiên Chúa và anh em là động cơ thúc đẩy  chúng ta trong Chúa. "Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng"(Lc 6, 34). 

Mọi thứ như thế bởi vì Chúa giúp chúng ta hiểu rằng, nếu chúng ta dâng hiến chính mình một cách không ích kỷ, không mong đón nhận lại một điều gì, Thiên Chúa sẽ đáp trả cho chúng ta một phần thưởng lớn hơn và sẽ xác nhận chúng ta là con cái yêu quý của Ngài. Đấy là lý do tại sao Chúa Giêsu nói với chúng ta: "Anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Ðấng Tối Cao" (Lc 6, 35).  

Ta xin với Mẹ là Mẹ Thiên Chúa cho chúng ta có đủ lòng rộng lượng để chúng ta có thể tránh xa tất cả những sự cám dỗ của sự ích kỷ, tham lam như Con của Mẹ đã làm.  Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết cảm thông, chia sẻ, nâng đỡ những người bất hạnh đang cần đến chúng ta. Xin cho chúng ta là những cánh tay dài của Chúa, để mang niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người, nhất là những người kém may mắn trong cuộc đời.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây