Giáo xứ Sông Hinh - Nhà Cha Ta Là Nhà Cầu Nguyện (Mt 21,13)

https://giaoxusonghinh.org


Tin Và Vác Thập Giá Theo Đức Kitô

Tin Mừng Mc 8: 27-35 Mầu nhiệm Thương khó là mầu nhiệm khó hiểu nhất, một mầu nhiệm tạo nên nghịch lý cho đời người. Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất. Còn ai liều mạng sống mình vì Chúa, vì Tin mừng thì cứu được mạng sống.
Tin Và Vác Thập Giá Theo Đức Kitô
Mầu nhiệm Thương khó là mầu nhiệm khó hiểu nhất, một mầu nhiệm tạo nên nghịch lý cho đời người. Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất. Còn ai liều mạng sống mình vì Chúa, vì Tin mừng thì cứu được mạng sống. Tin vào Đức Kitô thì dễ, nhưng bước theo Người trên đường Thương khó thì lại không dễ dàng. Cuộc đời Kitô hữu được mời gọi thông phần vào cuộc Thương khó Tử nạn của Đức Kitô để rồi được chung hưởng vinh quang Phục sinh với Người.

I. KHÁM PHÁ SỨ ĐIỆP TIN MỪNG : Mc 8,27-35.

Bản văn Tin mừng được chọn đọc ghi lại lời tuyên xưng của Phêrô, lần loan báo đầu tiên về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và những chỉ dụ về điều kiện phải có để theo Người. Đây là đoạn văn chiếm một vị trí quan trọng trong Tin mừng theo Marcô, được dùng làm bản lề cho hai phần của toàn bộ tác phẩm : Phần I : 1,14-15 đến 8,26, trình bày dưới nhiều hình thức sự kiện bí mật về Đấng Mêsia ; Phần II : từ 8,27 đến 15 39, trình bày mạc khải cũng như giải thích về bí mật ấy.

1. Lời tuyên tín của Phêrô (8,27) : "Thầy là Đấng Kitô" : Việc Chúa Giêsu hỏi các môn đệ về sự hiểu biết Người của quần chúng không phải vì Người không biết họ nghĩ gì về Người, nhưng đây là đường lối, cách thức giáo dục của Chúa Giêsu để dẫn dắt các ông đến mạc khải : Người là Đấng Mêsia, Đấng Kitô. Người hỏi trực tiếp các môn đệ : "Còn các con, các con bảo Thầy là ai ?". Phêrô thay mặt các bạn trả lời, một câu trả lời vượt xa sự hiểu biết của dân chúng. Điều dân chúng hiểu biết về Chúa Giêsu không phải là sai, nhưng chưa đầy đủ, họ chỉ nhận ra được tính cách siêu việt nơi con người Giêsu Nadarét, chứ chưa thể biết rõ Người là Đấng Kitô. Lời tuyên tín của Phêrô bộc lộ niềm tin căn bản của các ông, của Giáo hội sơ khai, dẫu rằng khi tuyên xưng điều này chính bản thân Phêrô cũng chưa hiểu hết ý nghĩa của danh xưng Kitô, cũng như con đường Thương khó Chúa Giêsu thực hiện. Vì thế, ngay sau đó ông đã ngăn cản Chúa khi nghe Người loan báo về cuộc khổ nạn.

2. Lời loan báo về cuộc khổ nạn : Đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ về cuộc khổ nạn của Người. Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu, Thầy mình là Đấng Kitô, nhưng ông chưa hiểu rõ, hiểu hết ý nghĩa của danh xưng Kitô. Ngược với niềm trông đợi của loài người và của dân Do Thái, Đấng Kitô không chỉ là một vị vua quyền thế, nhưng cũng là một con người khiêm nhu tự hạ và đau khổ. Người đến từ Thiên Chúa nhưng lại hòa mình vào trong lòng nhân loại mang lấy những khía cạnh đen tối nhất của kiếp nhân sinh : bị bỏ rơi, đau khổ, chịu nhục mạ, bất công… và kết thúc là cái chết. Lời tuyên xưng của Phêrô và của mọi Kitô hữu sau này không phải là sai, đó là công thức hoàn toàn chính xác, nhưng tự thân người tuyên xưng chưa xác tín rõ ràng tước vị Kitô cũng bao hàm đau khổ, nhục nhã và sự chết. Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn để bổ túc cái nhìn, niềm tin của các môn đệ về Người. Đó là đường lối thánh ý của Chúa Cha muốn như thế, và Chúa Giêsu hoàn toàn vâng phục. Do đó, khi Phêrô ngăn cản Chúa, thực chất là bị ma quỷ xúi giục để lôi kéo Người không thi hành thánh ý Chúa Cha, như chúng đã rắp tâm làm điều này khi cám dỗ Người vào lúc Người bắt đầu cuộc đời công khai. Chúa Giêsu khiển trách Phêrô đã bị Satan lôi kéo cám dỗ : "Satan hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa mà chỉ biết việc loài người".

3. Những chỉ dụ về các điều kiện theo Chúa Giêsu : Lời mời gọi từ bỏ, vác thập giá và thí mạng sống là một lời mời gọi đầy nghịch lý, thậm chí là vô lý nếu chỉ xét trên bình diện con người. Nhưng trên bình diện đức tin và trong mầu nhiệm vượt qua lại là điều hoàn toàn xác đáng. Trước hết phải từ bỏ mình, nghĩa là tự ghét mình (tc. Lc 14,26 ; Ga 12,25). Từ bỏ mình cách cụ thể là liều mất mạng sống của mình đi vì Chúa, vì Tin mừng. Điều kiện thứ hai là vác thập giá mình theo Chúa, nghĩa đen là tự mình vác dụng cụ khổ hình dành cho mình đến pháp trường, con đường đến pháp trường như thế bao gồm tất cả mọi đau khổ, nhục nhã, bất công và sự loại trừ ra khỏi cộng đồng với án tử. Như thế, Chúa Giêsu mời gọi theo Người tiến về nơi xử tử. Trong ý nghĩa ấy, đó là việc thông phần, chia sẻ, tham dự vào cuộc Thương khó của Người. Những ai dám chết theo Người như thế sẽ là người chiếm hữu được sự sống vĩnh cửu : Ai liều mất mạng sống vì Thầy và vì Tin mừng thì sẽ cứu được mạng sống của mình.

II. CHIÊM NGẮM CHÚA GIÊSU : 

Tin mừng hôm nay mạc khải cho chúng ta chân dung Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Đấng được Chúa Cha sai đến cứu chuộc nhân loại bằng con đường khổ giá. Vì tình yêu, Người đã dám hiến thân chết cho nhân loại được sống. Tin vào Người là Đấng Kitô thì niềm tin ấy phải được cụ thể hóa thành hành động can đảm dấn thân bước theo Người trên hành trình Thương khó. Đời sống Kitô hữu hôm nay là họa ảnh của Chúa Giêsu, Đấng Kitô chịu đóng đinh cho con người, cho thế giới nhận biết Người. Càng dấn thân vác thập giá theo Người, can đảm đón nhận mọi thử thách, khổ đau với đức tin mạnh mẽ thì cuộc đời Kitô hữu càng phác họa rõ nét chân dung Đấng Kitô mình tôn thờ.

III. GỢI Ý BÀI GIẢNG : 

1. Tin là lời mời gọi khám phá Chúa Giêsu : 

Dân chúng với cái nhìn đơn sơ, hạn hẹp của mình chỉ có thể nhận ra tích cách siêu việt của Chúa Giêsu qua những lời giảng dạy như đấng có uy quyền, qua việc chữa lành và xua trừ ma quỷ của Người như Gioan Tẩy giả, như Êlia hay một Tiên tri nào đó. Họ không thể đi xa hơn nhận thức này để chân nhận Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Đấng Cứu Độ mà họ đang chờ mong. Các môn đệ, đại diện là Phêrô có sự hiểu biết cao hơn, xác tín Chúa Giêsu là Đấng Kitô, thế nhưng sự hiểu biết của các ông cũng vẫn còn nông cạn, chưa đầy đủ. Vì thế, dân chúng theo Chúa Giêsu cũng chỉ muốn nhắm đến những lợi ích cá nhân của họ. Còn các môn đệ cũng vì chưa hiểu rõ hết tước hiệu Kitô các ông tuyên tín, nên cũng không thể hiểu nổi mạc khải về cuộc Khổ nạn, cho nên các ông sợ hãi trước lời loan báo của Chúa, để rồi ngăn cản Chúa. Tin vào Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở những nhận định, hiểu biết chung chung, thuộc lòng một vài công thức định tín, nhưng đòi hỏi phải nỗ lực tìm hiểu khám phá về Người. Càng hiểu rõ về Người, niềm tin càng xác tín, càng xác tín càng mạnh mẽ theo Người.

2. Tin là lời mời gọi dấn thân vác thập giá theo Chúa Giêsu : 

Đỉnh cao của niền tim là việc đáp trả lời mời gọi từ bỏ mình vác thập giá theo Chúa Giêsu. Tin không chỉ là nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng Kitô trong tâm trí, hay là một lời tuyên xưng ngoài môi miệng. Đức tin đòi hỏi phải có việc làm. Đức tin không có việc làm là đức tin chết. Tin cũng không chỉ dừng lại ở việc noi gương Người sống tình bác ái huynh đệ. Nhưng đức tin đòi hỏi một điều quyết liệt, mạnh mẽ hơn. Đó là bước đi theo Người, sống như Người đã sống, phải trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Chúa đã đi vào hành trình Thương khó, đời Kitô hữu cũng phải chấp nhận thập giá, chấp nhận đi vào con đường ấy. Để đi đến cùng sứ mạng của mình, Chúa Giêsu đã phải từ bỏ tất cả. Người từ bỏ tất cả để đạt được đến Đấng là tất cả, tức là Thiên Chúa Cha. Đó là con đường tất yếu cho những ai muốn sống và đạt đến hạnh phúc đích thực. 

IV. LỜI CẦU CHUNG : 

Mở đầu : Anh chị em thân mến, vì yêu thương muốn cứu độ nhân loại, Chúa Giêsu Kitô đã vâng lời Chúa Cha chấp nhận con đường khổ nạn. Trong niềm tin tưởng vào tình thương của Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.

1. "Thánh Phêrô đã thay mặt cho các Tông đồ tuyên xưng vào Chúa Giêsu : 'Thầy là Đấng Kitô". Chúng ta cùng cầu nguyện cho gia sản đức tin các Tông đồ để lại trong Giáo hội luôn được gìn giữ tinh tuyền và phát triển mạnh mẽ qua đời sống loan báo Tin mừng của toàn thể Giáo hội.

2. "Người ta bảo Thầy là ai ?". Chúng ta cùng cầu nguyện cho những anh chị em đang thành tâm thiện chí đi tìm Chúa, những anh chị em dự tòng và tất cả những ai đang khao khát tìm kiếm sống một cuộc đời chính trực được thỏa ước nguyện và nhất là được gặp gỡ chính Chúa là nguồn mạch sự sống và chân lý.

3. "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta". Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết sống và thể hiện niềm tin của mình bằng một cuộc sống dấn thân vì hạnh phúc tha nhân, bằng lòng can đảm đón nhận hy sinh, thử thách và đau khổ trong cuộc sống với thái độ tin yêu, hy vọng và phó thác cho Chúa.

Lời kết : Lạy Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Chúa đã muốn Chúa Giêsu cứu độ chúng con bằng thập giá và qua Người mời gọi chúng con lãnh nhận ơn cứu độ cũng bằng con đường thập giá. Xin ban Thánh Thần giúp chúng con đủ sức vác thập giá đời mình theo Chúa Giêsu Kitô là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
 


Lm Giuse Maria Lê Quốc Thăng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây