Giáo xứ Sông Hinh - Nhà Cha Ta Là Nhà Cầu Nguyện (Mt 21,13)

https://giaoxusonghinh.org


Hai Cánh Cửa

Phải chăng cái chết sẽ mở ra một cánh cửa mới ?
Hai Cánh Cửa

 

Có người cho rằng chết là hết. Thế nhưng, cũng có người quan niệm chết không phải là dấu chấm hết nhưng là cánh cửa mở ra đưa con người đến một tương lai mới, như thể họ bước một bước tiếp theo trong hành trình hiện hữu. Tuy nhiên, để có tương lai ấy, đòi hỏi trước đó phải có một cánh cửa mở ra đưa con người vào cuộc hiện hữu trong thực tại trần gian. Một cánh cửa khởi đầu và một cánh cửa khởi đầu mới, cả hai luôn gắn liền với cuộc đời của mỗi người.

Cánh cửa thứ nhất đưa con người đến trần gian. Khi con người bắt đầu hiện hữu giữa thực tại trần gian, theo niềm tin Công Giáo, là khi Thiên Chúa tạo dựng và đặt con người làm chủ mọi giống chim trời, cá biển cùng muôn loài muôn vật Ngài đã dựng nên. Truyền thống triết học Đông Phương với quan điểm Nho giáo và Lão giáo cho rằng đây là cánh cửa đưa con người vào sự kết hợp với Cha Trời, Mẹ Đất. Trong vòng tay của Cha Trời, Mẹ Đất hay Nho giáo gọi là hai đại năng lực Càn (Dương) và Khôn (Âm), con người được chở che cũng như được hấp thụ sinh khí từ hai đại năng lực ấy hay hòa vào dòng chảy của Đạo theo như tư tưởng Lão giáo. Cũng chính khi bước vào cánh cửa thứ nhất này, con người nhận ra mình đang ở trong cái vòng chu kỳ sinh – lão – bệnh – tử của cuộc sống. Nếu chỉ nhìn cuộc đời trong cái vòng từ sinh đến tửngắn ngủi ấy thì vô tình người ta giới hạn sự hiện hữu của con người. Cuộc đời chẳng mấy thi vị khi khởi đi từ sinh và chấm dứt lúc tử – chết là hết. Chính vì thế, người ta không biết trước sinh là gì và sau tử ra sao. Điều này cũng tương tự như khi ta nhìn những hạt mưa từ không trung rơi xuống đất, thấm vào đất thế là xong. Nhưng thật ra những giọt mưa không có một vòng đời ngắn ngủi và đơn giản như thế. Vòng đời của nó luôn có trước có sau, điều mà con người không thấy cũng như không biết bằng việc dùng đôi mắt trần của mình.

Nếu đời người chỉ là sinh – lão – bệnh rồi tử thì có lẽ ta phải thừa nhận với Lev Tolstoy (1828-1910): theo nhận thức của lý trí thì sống là một điều gì đó vô nghĩa và xấu xa, nó chẳng là gì cả. Sinh ra rồi lớn lên, già yếu và tật bệnh, rồi chết đi. Cuộc sống cứ theo chu kỳ sinh tử ấy mà chấm dứt. Từ đó, người ta đặt ra những vấn đề: Tại sao tôi sống? Cuộc sống của tôi trong thế giới hữu hạn này có ý nghĩa gì? Tolstoy đã trả lời rằng đức tin làm cho cuộc sống có ý nghĩa. Cuộc sống có ý nghĩa không chỉ trong giây phút hiện tại mà bao gồm cả quá khứ lẫn tương lai. Quá khứ không chỉ là những điều ngày hôm qua tôi nhớ lại mà là tất cả những gì trước khi tôi biết tôi đang đứng ở đây để nghĩ về điều đó. Tương lai cũng không chỉ là những gì tôi hoạch định cho ngày mai hay ngày kia mà gồm cả những điều tôi không thể biết rõ ràng sau khi tim tôi ngừng đập. Đức tin của người Công Giáo chỉ cho biết quá khứ của con người là biến cố tạo dựng của Thiên Chúa, khi Ngài đưa con người vào hiện hữu trong trần gian và tương lai là mầu nhiệm Phục Sinh cùng Đức Ki-tô. Bởi vậy, một cuộc sống có ý nghĩa chính là sự chuẩn bị để đi đến cái đích trên trần thế, tức là cái chết. Vì ở cái đích này có một cánh cửa mới đang mở ra với mỗi người.

Cánh cửa thứ hai được mở ra khi con người đã trải qua hành trình chuẩn bị trước đó. Như một quy luật, có tương lai ắt hẳn có quá khứ. Kinh nghiệm trong cuộc sống của mỗi người khẳng định điều đó. Vì thế, sau cái chết là tương lai và cái chết cũng chính là quá khứ, là điểm khởi cho tương lai ấy. Bertrand Russell (1872-1970), triết gia người Anh đã cho rằng cái làm cho người ta tin có sự sống đời sau là cảm xúc. Đứng trước cái chết, con người thường có những cảm xúc khác nhau, có thể vui, buồn và cả sợ hãi. Những cảm xúc này cách nào đó diễn tả thái độ con người đã chuẩn bị như thế nào cho tương lai, cho đời sống mới sau cái chết. Phật giáo Tiểu Thừa quan niệm Vô Dư Niết Bàn như là một đời sống mới sau cái chết, khi vị A La Hán với thân hoại mạng chung, không còn tái sinh vì đã hoàn toàn dứt bỏ mọi phiền não, không còn sắc thân, mười hai xứ, mười tám giới và các căn. Trong Upanishads của Ấn Độ giáo, cánh cửa thứ hai này mở ra để Atman (linh hồn cá nhân) hòa nhập với Brahman (linh hồn vũ trụ). Khi ấy, con người được giải thoát khỏi thế giới sự vật hiện tượng, khỏi các hình danh sắc tướng, khỏi vòng sinh tử luân hồi. Truyền thống Công Giáo bàn đến sự sống đời đời sau cái chết. Sự sống đời đời của người tín hữu Công Giáo gắn liền với niềm tin vào Đức Ki-tô, Đấng Phục Sinh từ cõi chết. Trong đức tin, người Ki-tô hữu biết rằng phía sau cánh cửa thứ hai là một tương lai mới, một nơi chốn đang chờ đón những ai có bước chuẩn bị kể từ giây phút bước vào cánh cửa thứ nhất. Tương lai ấy đã được tiên tri Ê-dê-ki-en cho hay khi ông thuật lại lời Chúa phán: Các ngươi sẽ nhận biết Ta là Đức Chúa, khi Ta mở huyệt cho các ngươi và đưa các ngươi lên khỏi huyệt (Ed 37, 13). Trong Tân Ước, thánh sử Gio-an cũng đã ghi chép lại lời của Đức Giê-su: Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta, sẽ không chết đời đời (Ga 11, 25a-26).

Thật vậy, đứng trước cái chết, mỗi người và mỗi tôn giáo có cái nhìn và quan niệm riêng. Có người cho rằng chẳng còn cái gì khác sau thực tại trần gian này. Có tôn giáo lại quan niệm có một tình trạng vô hình danh, vô sắc tướng sau cái chết. Truyền thống đức tin Công Giáo xác tín rằng cái chết không phải là dấu chấm hết nhưng là điểm khởi cho một hành trình mới. Cái chết chỉ là sự rời bỏ thực tại trần gian để hướng tới một thực tại mới – sự sống đời đời trong vinh quang Thiên Chúa. Với niềm tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh, người Ki-tô hữu tin rằng: Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời! (Kinh Hoà Bình – thánh Phanxicô Assisi).

Minh Thiện, S.J.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây