Giáo xứ Sông Hinh - Nhà Cha Ta Là Nhà Cầu Nguyện (Mt 21,13)

https://giaoxusonghinh.org


Suy Niệm Thứ Năm Tuần VI Thường Niên A

Tin mừng Mc 8: 27-33 “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”, câu hỏi mà Chúa Giêsu dành cho các môn đệ khi xưa cũng là câu hỏi mà Người muốn mỗi người chúng ta phải trả lời.
Suy Niệm Thứ Năm Tuần VI Thường Niên A

SUY NIỆM HẰNG NGÀY

NGÀY 20- 2-2020

THỨ NĂM TUẦN VI THƯỜNG NIÊN A


 

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mac-cô (Mc 8: 27-33)
 

27 Đức Giê-su và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai? "28 Các ông đáp: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó."29 Người lại hỏi các ông: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? " Ông Phê-rô trả lời: "Thầy là Đấng Ki-tô."30 Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.32 Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người.33 Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: "Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."


SUY NIỆM

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”, câu hỏi mà Chúa Giêsu dành cho các môn đệ khi xưa cũng là câu hỏi mà Người muốn mỗi người chúng ta phải trả lời. Rất dễ dàng để chúng ta có thể đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này khi dựa vào sách Giáo lý: Người là Ngôi Hai, Con Thiên Chúa. Nhưng thật ra, Chúa Giêsu muốn một câu trả lời từ chính kinh nghiệm của niềm tin, từ chính cõi lòng của từng người trong chúng ta.

Thánh Phêrô, đại diện cho các môn đệ, sau khi chứng kiến những dấu lạ mà Chúa Giêsu thực hiện đã nhận ra Người là Đấng Kitô. Nhưng quan điểm của họ về Đấng Kitô hoàn toàn khác xa với bản tính đích thực của Đấng Cứu Thế như Chúa Giêsu diễn đạt: Người phải chịu đau khổ, bị giết chết... Điều đó vượt quá trí hiểu của Phêrô: Làm sao Con của Thiên Chúa Tối Cao lại có thể chịu đau khổ và bị giết chết được!

Cũng giống như các môn đệ khi xưa, đôi khi trong cuộc sống chúng ta muốn có một Thiên Chúa theo ý chúng ta. Đối diện với những bất công, chúng ta muốn Thiên Chúa phải ra tay tiêu diệt tất cả; đối diện với những bệnh tật, khổ đau, chúng ta muốn Thiên Chúa chữa lành ngay tức khắc... Để rồi chúng ta quên mất Thiên Chúa có cách của Ngài. Con đường mà Đấng Kitô giải cứu nhân loại lại là con đường thập giá. Chúng ta sẽ không thể nói một cách đúng đắn Chúa Giêsu là ai nếu chúng ta không chiêm ngắm và bước theo con đường mà Người đã đi. Thập giá chính là biểu tượng của sức mạnh tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người.

Lạy Chúa Giêsu đầy lòng lân tuất, xin cho chúng con mỗi ngày biết cảm nhận và nhận ra tình yêu Chúa dành cho chúng con qua mầu nhiệm Cứu độ. Đồng thời, xin cho chúng con thêm lòng can đảm, tín thác để đón nhận những thập giá trên đường đời, hầu mai ngày được hưởng vinh phúc cùng với Chúa trên Nước Trời. Amen.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây