Giáo xứ Sông Hinh - Nhà Cha Ta Là Nhà Cầu Nguyện (Mt 21,13)

https://giaoxusonghinh.org


Chúa Nhật XXXII Thường Niên C

Lc 20: 27. 34-38: Những người phái Xa-đốc không tin có sự sống lại sau này, nên khi nghe Đức Giê-su giảng về mầu nhiệm kẻ chết sống lại, họ đã tìm cách phi bác giáo lý ấy qua một câu chuyện giả tưởng về bảy anh em nhà kia theo luật Thế Huynh của Mô-sê.
Chúa Nhật XXXII Thường Niên C

SUY NIỆM CHÚA NHẬT

CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN C

 

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (20, 27. 34-38)

27 Có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại.34 Đức Giê-su đáp: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng,35 chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.36 Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.37 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp.38 Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống”.

Suy niệm

Vấn đề có sự sống lại hay không, ngày nay vẫn còn là vấn đề thời sự. Từ thời xa xưa, các triết gia đã cố gắng minh giải cho chúng ta về cuộc sống tối hậu, những phạm trù lớn lao. Đời sống tôn giáo vận dụng triết lý này để xây dựng nên một hệ thống giáo lý để giải thích cách hợp lý về những điều tối hậu này, trong đó có vấn đề sự sống của con người sau cái chết. Một thế giới khác, một không gian khác mở ra, nơi đó sự sống sau cái chết tồn tại.

Đề tài sự sống lại liên quan tới đức tin của chúng ta và nó gắn liền với niềm tin vào Thiên Chúa. Thiên Chúa của sự sống, Thiên Chúa sáng tạo nên con người; Thiên Chúa muốn chúng ta sống hạnh phúc; Thiên Chúa ban cho con người sự sống, Ngài thổi hơi ban thần khí cho con người. Thiên Chúa là Thiên Chúa của sự sống.

Trong thế giới khoa học thực nghiệm ngày nay, tuy người ta thu gọn thế giới vào những điều mắt thấy tai nghe, những gì có thể kiểm chứng, nhưng không vì thế mà niềm tin tôn giáo căn bản về sự sống lại này lại trở nên kém thời sự. Con người chúng ta đều khao khát sống và muốn sống cho có ý nghĩa. Chính điều này tạo nên sự khác biệt giữa người có niềm tin vào sự sống lại và những người không tin. Người tin thì cố gắng sống thiện lành, sống cho có ích để được sự sống viên mãn với Thiên Chúa của họ.

Người không có niềm tin, những thực hành đạo đức dừng lại ở quy chuẩn xã hội. Người có niềm tin, dĩ nhiên cũng sống các quy chuẩn ấy như một chuẩn mực, nhưng họ còn thực hành những việc làm ấy như một thói quen, là những nhân đức, nó dần trở thành một mệnh lệnh tối thượng, rằng tôi phải sống tốt, sống thiện và không thể không thực hành nó.

Xã hội ngày hôm nay bị tương đối hoá, nhiều học thuyết muốn đồng hoá tôn giáo với với những lý thuyết đạo đức thuần tuý và giản lược những mệnh lệnh tối thượng ấy như chỉ là những chọn lựa.

Chân lý đức tin Công Giáo được tuyên tín trong kinh Tin Kính. Bản định tín ấy dạy cho ta biết: xác loài người ngày sau sống lại. Chính niềm tin vĩnh hằng ấy sẽ định hướng cho những điều mà chúng ta chọn lựa hôm nay. Bạn sống và thực hành những mệnh lệnh thánh thiện của Thiên Chúa, bạn sẽ sống lại trong ngày sau hết.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con đừng quên rằng, những gì chúng con sống hôm nay là bằng chứng cho sự sống lại mai sau. Amen. 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây