Giáo xứ Sông Hinh - Nhà Cha Ta Là Nhà Cầu Nguyện (Mt 21,13)

https://giaoxusonghinh.org


Yêu và được yêu

Khao khát yêu và được yêu trở nên như một lẽ tất yếu trong cuộc sống con người. Chính bởi sự thôi thúc và sự chi phối của chúng trong toàn bộ hành động, tư tưởng, lời nói của con người, thế nên chúng luôn hiện diện và đôi khi trở nên trổi vượt hơn cả khi ta tìm thấy được một con đường dẫn đến sự no thỏa...
Yêu và được yêu

Phẩm Giá Và Vẻ Đẹp Của Hôn Nhân Công Giáo | Giáo Phận Thanh Hóa
Khao khát yêu và được yêu trở nên như một lẽ tất yếu trong cuộc sống con người. Chính bởi sự thôi thúc và sự chi phối của chúng trong toàn bộ hành động, tư tưởng, lời nói của con người, thế nên chúng luôn hiện diện và đôi khi trở nên trổi vượt hơn cả khi ta tìm thấy được một con đường dẫn đến sự no thỏa.

“Yêu” – yếu tố cần thiết trong đời sống con người. Bởi vì yêu mà ta hành động điều này điều kia nhưng lẽ dĩ nhiên khi yêu ta cần có một đối tượng cụ thể chứ chẳng ai lại yêu vu vơ, bất định. Ta khát yêu nên ta muốn mình làm những điều tốt cho người mình yêu, đó là những anh chị em xung quanh ta, và bởi ta yêu Chúa nên ta cố gắng trở nên hoàn thiện giống Chúa hơn. Nhờ tình yêu thúc bách, ta làm những điều mà có khi ta coi nó là không thể, bởi vì yêu mang đến cho ta động lực và sức mạnh khôn tả vượt lên trên tất cả rào cản. Khao khát yêu dường như trở nên một vẻ đẹp nhưng nó cũng giống như con dao hai lưỡi của cuộc sống, cản trở ta đến với người. Chính khi khao khát biến đổi trở nên mù quáng hay bất chấp thì thay vì nó mang đến niềm vui, hạnh phúc, nó lại mang đến sự khó chịu, hay sự đau khổ cho người mình yêu. Bởi lẽ tình yêu nếu chỉ phát xuất từ một phía thì đó chỉ là sự ích kỷ , một tình yêu mang tính vị kỷ. Ta hay tự biện minh cho mình là “tình yêu đơn phương” hoặc là tôi yêu thì mặc tôi đâu có ảnh hưởng đến người khác, tôi đâu cần người tôi yêu phải đáp trả… vậy có bao giờ ta tự hỏi đó có phải là yêu thực sự chăng. Nếu ta cho đó là tình yêu thì hãy nên nhìn lại hiệu quả mà nó mang lại, phải chăng đó là hạnh phúc, nhưng thật ra đó chỉ là niềm hạnh phúc vị kỷ, xuất hiện cùng với nỗi lo lắng không nên và sự đau khổ được giấu kín khi không có sự đáp trả cân xứng với nó.

Cũng vậy, khao khát được yêu cũng trở nên như lẽ tất yếu của cuộc sống. Việc ta muốn khẳng định mình, muốn mình trở nên nổi bật hay được biết đến với nét đặc biệt nào đó hơn ai khác, đó chẳng phải xuất phát từ khao khát mong muốn được người khác yêu thương sao. Tương tự, những khó chịu khi người này được đặc cách hơn hay khi người khác được cái mình không được, đó cũng chỉ là sự khó chịu, ganh tỵ phát xuất từ việc ta nhận ra mình không được yêu thương như người đó. Khao khát này trở nên mãnh liệt khi ta càng cố so sánh, cố tìm kiếm những gì không thuộc về ta. Hơn hết, thay vì là sự khao khát giúp ta nhìn lại mình để cải thiện bản thân thì nó lại trở nên mũi dao nhọn đâm vào tâm hồn khiến ta thêm đau đớn và tuyệt vọng hơn.

Thay vì nhìn vào chính mình ta hãy nhìn lên hình ảnh Chúa Giêsu. Ngài yêu thương và yêu cho đến cùng. Tình yêu của Ngài luôn bao phủ lấy con người, bất biến và bất diệt. Ngài có khao khát mình được yêu thương chứ? Thưa vẫn có chứ! Ngài khao khát sự đáp trả của con người. Nhưng thay vì là sự ép buộc, Ngài chọn sự im lặng chờ đợi – một sự chờ đợi kéo dài tưởng chừng vô tận. Thời gian trong tình yêu Giêsu không phải là yếu tố gây nên sự thất vọng, nản lòng nhưng mang lại niềm hy vọng và sự bình an cho con người.

Sự hữu hạn của con người cho ta thấy sự mỏng giòn, yếu đuối và dễ vấp ngã. Do vậy, nếu ta chỉ đặt trọng tâm vào một đối tượng để yêu và chỉ khao khát được yêu bởi một ai đó thì điều đó vẫn chưa đủ để dẫn ta đến hạnh phúc trọn vẹn. Tuy nhiên, sống trên đời này, để hiện hữu và tồn tại được vẫn luôn cần có niềm khao khát yêu và được yêu, chính nó sẽ mang lại ý nghĩa cho đời. Nhưng trên hết tất cả, khao khát yêu Chúa và hãy để Chúa yêu trở nên như lẽ tất nhiên trong cuộc sống, để những khoảng trống trong tâm hồn được lấp đầy và để mọi hành động của ta trở nên thánh thiện mỗi ngày như Đấng là nguồn Thánh Thiện tuyệt đối.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây