THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Suy Niệm Chúa Nhật V Phục Sinh Năm B

Thứ bảy - 28/04/2018 11:54
Tin mừng Ga 15: 1-8: Hình ảnh cây nho diễn tả một thực tại mang tính thánh thiêng về sự hiệp thông trong chính Thân Thể của Người. Chúa Giêsu ví mình là Cây Nho Thật, thông ban sự sống thần linh cho nhân loại là các cành nho.
Suy Niệm Chúa Nhật V Phục Sinh Năm B

Phúc Âm: Ga 15,1-8


"Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái".

1Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. 2Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. 3Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. 5Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. 6Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.7Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. 8Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy. 

Suy niệm:

Với nhà vườn, thường thì sau mỗi một đợt cây ra bông kết trái, người ta cắt tỉa các nhánh cây, để các vụ tiếp sau đó, cây sinh bông kết trái nhiều hơn. Quan sát từ chính kinh nghiệm trồng trọt gần gũi trong cuộc sống hàng ngày, Chúa Giêsu đã đề cập tới việc chăm sóc nho là một loại dây leo sống lâu năm. Người trồng nho cũng phải cắt tỉa để cây nho có sức đâm chồi mới và sinh trái nhiều hơn.

Cần cắt tỉa những nhánh trái tính trái nết, những nhánh mọc “hỗn”, những nhánh không ra bông kết trái, những nhánh mà nếu để thì chẳng đi tới đâu, những nhánh rườm rà không thích hợp. Tuy nhiên, cũng phải cắt tỉa nâng niu cho cây được sống, được mang lại kết quả tốt, chứ không phải tỉa đại cắt đùa bất chấp. Vâng, chính khi được cắt tỉa trong môi trường khắc nghiệt như thế, vào một ngày không xa, cây nho rồi sẽ lại nặng trĩu những quả ngọt.

Hình ảnh cây nho diễn tả một thực tại mang tính thánh thiêng về sự hiệp thông trong chính Thân Thể của Người. Chúa Giêsu ví mình là Cây Nho Thật, thông ban sự sống thần linh cho nhân loại là các cành nho. Để có thể sống hiệp thông với Chúa Giêsu, chúng ta cần biết bỏ đi những ý riêng của mình, các cành các nhánh nho cần biết gắn kết với thân cây một cách chặt chẽ để có thể đón nhận dưỡng chất từ cây.

Thế nhưng, đó không phải là kiểu gắn kết theo dạng “keo dán sắt” cách vô hồn. Hoặc nhánh cây nào nghĩ rằng mình cứng cáp rồi, có thể sống độc lập mà không cần nhờ vào thân cây để nhận dưỡng chất. Chính sự ngạo mạn nguy hiểm và sai lầm ấy sẽ dẫn nó đến kết cục mau héo tàn.

Qua hình ảnh cây nho, Chúa Giêsu muốn mời gọi chúng ta sống kết hiệp mật thiết với Người một cách trọn vẹn để được hạnh phúc đời đời. Đó là một sự gắn kết sống động, liên đới từ thân nho tới cành, tới lá. Như nhánh cây không thể lìa thân cây thế nào, Chúa Giêsu cho thấy, chúng ta không thể nào sống mà không nhờ Người như vậy.

Chúa Giêsu đã lặp đi lặp lại cụm từ “ở lại trong Thầy” để tha thiết mời gọi sự vun đắp. Đây là ngôn ngữ của tình yêu mà chỉ khi yêu thực sự mới mong muốn gắn kết không rời và ở lại trong nhau. Tình yêu của Chúa Giêsu đã được minh chứng bằng nhiều dấu chỉ. Cụ thể nhất, như thân cây sẵn lòng trao ban nhựa sống trong thân thể cho cành lá mà không tính toán, Chúa Giêsu cũng trao ban thậm chí cả mạng sống cho người mình yêu. Người lại còn tiếp tục trao ban cách sống động qua chính Bí tích Thánh Thể là Bí tích Tình Yêu mà chúng ta mỗi khi cử hành, rước lấy Mình Thánh Chúa, chúng ta càng được tháp nhập vào sự sống thần linh của chính Thiên Chúa, được ở lại trong Chúa, để Chúa lớn lên trong ta từng ngày.

Thật sự mà nói, chúng ta không thể nào yêu như Chúa đã yêu. Nhưng Chúa muốn chúng ta “Hãy ở lại trong Thầy”. Người muốn chúng ta đừng buông bỏ những gì chúng ta có thể cố gắng. Và với những cố gắng nhỏ nhoi, đầy yếu đuối của chúng ta, Chúa sẽ đoái xem và thêm sức cho ta từng ngày. Khi ở trong Chúa, chính Người sẽ bồi đắp thêm cho những khoảng trống mà chúng ta không thể nào lấp đầy, vì Chúa biết, “vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”.

Lạy Chúa, trước những khuyết điểm và bất toàn của chúng con, Chúa vẫn muốn chúng con cố gắng lên mỗi ngày, gắn kết với Chúa nhiều hơn nữa. Xin cho con ý thức mình chỉ có thể sống và sống sung mãn khi được nhận lãnh chính nguồn ơn của Chúa. Xin Chúa giúp con luôn biết ở lại trong Chúa như Chúa luôn ở lại trong Chúa Cha. Amen.

Lm. Alfonso

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay6,436
  • Tháng hiện tại208,805
  • Tổng lượt truy cập15,495,695
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây