THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Những lời nói chính xác của Chúa Giêsu

Chủ nhật - 30/07/2017 00:11
Trong một bài phỏng vấn Cha Arturo Sosa, Tổng quyền Dòng Tên, đã nói:

Vào thời ấy, không ai có máy thu để ghi âm lời Ngài. Lời Chúa Giêsu nằm trong bối cảnh, chúng được diễn tả bằng một ngôn ngữ, trong một bối cảnh đặc thù, được nói với một người xác định.
Những lời nói chính xác của Chúa Giêsu

 

Thật ra có nhiều tranh cãi về những lời nói của Chúa Giêsu và dĩ nhiên là cũng có nhiều người nghi ngờ rằng các Tin Mừng có thật sự ghi lại đúng lời nói của Chúa Giêsu như những lời ghi âm không.

Cần phải loại trừ ý kiến cho rằng những lời nói của Chúa Giêsu được ghi lại trong Tin Mừng thật chính xác như một cuộn băng ghi âm. Trước hết, các Tin Mừng được viết bằng tiếng Hy Lạp trong khi Chúa Giêsu giảng dạy bằng tiếng Aram, một “ngôn ngữ đường phố” của xứ Palestine thời ấy, và như thế là đã qua một lần dịch rồi. Vì thế, những ấn bản Kinh Thánh “chữ đỏ” (những lời của Đức Kitô được in mực đỏ) thì đều có thể gây hiểu nhầm. Chúng không phải là những lời ghi lại từng chữ, những từ những câu bằng tiếng Aram mà Chúa Giêsu đã nói trừ một ít trường hợp (chẳng hạn khi Chúa Giêsu dùng từ  Abba để nói về Chúa Cha).

Các học giả phân biệt giữa ipsissima verba (những lời chính xác) và ipsissima vox (tiếng nói chính xác) của Chúa Giêsu. Như thế, điều mà chúng ta có trong các Tin Mừng đó chính là những lời “sống động” của Chúa Giêsu. Các tác giả Tin Mừng là những môn sinh đối với Chúa Giêsu là một rabbi hoặc thầy dạy. Công việc của một môn sinh là gì? Là quán triệt sứ điệp của thầy mình. Nếu một học trò chỉ “lập lại như vẹt” lời Chúa Giêsu cho thính giả, lập lại từng chữ một, thì đó là học trò dở. Điều thật sự được trông chờ nơi một môn sinh là trình bày lại giáo huấn của thầy mình một cách thật hữu ích cho người nghe lẫn độc giả.

Vậy các tác giả Tin Mừng đã làm gì?

Trước hết phải nói đến khả năng của các môn đệ khi ghi nhớ lời dạy của Chúa Giêsu. Armin Baum, học giả người Đức, đã tính toán rằng Tin Mừng Matthêô, Marcô, Luca chứa gần 15.000 từ dạy của Chúa Giêsu. Các môn đệ có phải ghi từng ấy dữ liệu vào trong bộ nhớ không?

Có đấy! Braun đã chứng minh rằng nhiều rabbi thời ấy không chỉ ghi nhớ 300.000 từ của Sách Thánh Do Thái giáo mà vài học giả Do Thái còn thuộc lòng cả cuốn Talmud gồm 2 triệu từ. Ở trong một nền văn hóa truyền khẩu, chắc hẳn các môn đệ Chúa Giêsu có thể nhớ và thông tin cho người khác những khối dữ liệu nhỏ trong các Tin Mừng.

Các tác giả Tin Mừng cũng còn biết dùng kỹ thuật nén để tường trình lại cách chính xác sứ điệp Chúa Giêsu. Hãy nghĩ lại xem: các Tin Mừng thuật lại rằng Chúa Giêsu nói chuyện với đám đông hàng mấy giờ liền thế mà diễn từ của Ngài được ghi lại chỉ đọc trong vài phút. Chúng ta cũng hay làm thế khi thuật lại cuộc chuyện trò của chúng ta với người khác, chỉ nói lại những điểm chính trong đó. Đây chính xác là kỹ thuật được sử dụng trong thể loại tiểu sử của thế giới La Hy, thể loại văn chương của các Tin Mừng. Điều mà không một học trò nào làm là đặt vào môi miệng thầy mình những gì mà ông không hề nói. Sự chính xác là điều rất quan trọng.

Một ví dụ đơn giản cho phương pháp này được tìm thấy trong trình thuật Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Chúa Giêsu gợi lên cuộc thảo luận bằng một câu hỏi:

Matthêô 16,13: “Người ta nói Con Người là ai?”

Mar 8,27: “Người ta nói tôi là ai?”

Luca 9,18: “Đám đông nói tôi là ai?”

Ở đây chúng ta có cùng một câu hỏi cơ bản được trình bày lại khác nhau chút ít. “Con Người” là danh xưng yêu thích của Chúa Giêsu trong các Tin Mừng mà đối với Marcô và Luca thì đơn giản chỉ là “Tôi”. Tương tự, việc chọn từ “người ta” (Matthêô, Marcô) và “đám đông” (Luca) có thể là do các tác giả Tin Mừng chọn những từ Hy Lạp khác nhau để dịch một từ Aram mà Chúa Giêsu đã sử dụng. Dù thế nào đi nữa, độc giả vẫn hiểu được ý chính của câu hỏi.

Câu mà Phêrô trả lời Chúa Giêsu cũng khác nhau:

Matthêô 16,16: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”

Marcô 8,29: “Thầy là Đức Kitô”

Luca 9,20: “Đức Kitô của Thiên Chúa”

Câu của Matthêô dài hơn, phức tạp và độc nhất theo ý nghĩa thần học, không chỉ nói lên ý tưởng về Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa mà còn ám chỉ mối liên hệ phụ tử vương quyền (Tv 2). Luca thêm từ “Thiên Chúa” vào câu khẳng định như đinh đóng cột của Marcô. Ý tưởng chính trong cả ba câu là: Phêrô nhận diện chính xác rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế.

Trong khi vẫn giữ lại sự chính xác cơ bản, cả ba câu đều uyển chuyển khi ghi lại các câu nói theo kiểu văn tiểu sử của La Hy.

Chúng ta cần phải xem xét các Tin Mừng theo tiêu chuẩn sử học của thế kỷ đầu chứ không phải thế kỷ XXI của chúng ta. Khi thẩm định các Tin Mừng theo tiêu chuẩn thời ấy, chúng ta vượt qua dễ dàng những khác biệt nhỏ trong các Tin Mừng. Rõ ràng các tác giả Tin Mừng rất quan tâm đến việc lưu truyền đúng sứ điệp của Đức Giêsu, và dù cho có nhiều người trong và ngoài Giáo Hội nghi ngờ, chúng ta vẫn thật sự biết được chính xác những gì mà Chúa Giêsu đã dạy.

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập103
  • Máy chủ tìm kiếm16
  • Khách viếng thăm87
  • Hôm nay16,577
  • Tháng hiện tại212,767
  • Tổng lượt truy cập13,228,020
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây