THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Thánh GiuSe Thợ - Bổn mạng giáo xứ Sông Hinh

Chủ nhật - 30/04/2017 03:34
Hôm nay, chúng ta hợp nhau nơi đây cùng hiệp dâng Thánh lễ mừng kính Thánh Giuse thợ, bổn mạng của tất cả những người lao động cũng là bổn mạng của giáo xứ chúng ta
Thánh GiuSe Thợ - Bổn mạng giáo xứ Sông Hinh
Lời Chúa: St 1,26-2,3
26 Thiên Chúa phán : "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất."
27     Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, 
        Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, 
        Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.
28 Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ : "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất." 29 Thiên Chúa phán : "Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi. 30 Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực. Liền có như vậy." 31 Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp ! Qua một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày thứ sáu.
2 1 Thế là trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất.
2 Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi.
3 Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người.

Cộng đoàn phụng vụ thân mến!

Hôm nay, chúng ta hợp nhau nơi đây cùng hiệp dâng Thánh lễ mừng kính Thánh Giuse thợ, bổn mạng của tất cả những người lao động và cũng được thế giới chọn làm ngày Quốc tế lao động. Điều này giúp cho chúng ta càng thấy rõ hơn nhu cần cần thiết và quan trọng của lao động trong đời sống con người.

Nói đến lao động ai cũng biết : lao động là để mưu cầu vật chất cho nhu cầu sinh hoạt đời sống của con người, lao động cũng còn để giúp cho cơ thể tăng trưởng sự dẻo giai để đương đầu và vượt thắng được những áp lực, những khó khăn bất chợt xảy ra trong cuộc sống con người. Lao động cũng còn có thể giúp cho con người tránh xa những dịp tội không đáng có thường xảy ra trong cuộc sống, như người ta thường nói: “nhàn cư vi bất thiện”. Lao động cũng có nhiều hình thức khác nhau : lao động bằng khối óc, lao động bằng chân tay, lao động bằng máy móc, có người còn lao động bằng tiền. Cho dù bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng mục tiêu cuối cùng cũng là tìm kiếm hạnh phúc cho cuộc sống.

Thế nhưng trong thế giới hôm nay, khi khoa học phát triển, máy móc dần dần chiếm lĩnh tất cả, nó sẽ đẩy lùi lao động chân tay vào đường cùng ; khi mà đồng tiền trở thành sức mạnh thống trị thì nó có thể biến con người lao động thành nô lệ. Muốn giải thoát khỏi sự thống trị và nô lệ của đồng tiền, nhiều người đã không ngần ngại lao mình vào vòng xoáy của nó để tìm kiếm, càng tìm kiếm con người càng trở nên nô lệ cho nó. Thế là những mục đích tốt lành của lao động như tìm kiếm hạnh phúc, thăng tiến bản thân, tránh xa dịp tội, tăng thêm bạn hữu và tinh thần hiệp nhất cũng dần dần biến mất.

Chính vì thế để hiểu cho đúng ý nghĩa cao quí của lao động và con người lao động, chúng ta cần chạy đến với Thiên Chúa với Giáo Hội và với Kinh Thánh để tìm kiếm những chỉ dẫn hữu ích.

Trong bài đọc thứ nhất trích sách Sáng thế ký cho chúng ta biết : Thiên Chúa, Đấng đã (lao động để) tạo dựng con người và vạn vật, tất cả đều tốt lành và Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại để con người sử dụng. Điều cốt yếu trong công cuộc sáng tạo, là phát xuất từ tình yêu trao ban nhưng không của Thiên Chúa : Vì Yêu, Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa ; vì Yêu, Thiên Chúa tạo dựng vạn vật tốt lành và trao cho con người cai quản, hưởng dùng và làm cho nó sinh sôi nảy nở. Như thế, để sống hạnh phúc bên Thiên Chúa và hưởng dùng những tạo vật Chúa ban cho, con người phải luôn luôn cố gắng, để mỗi ngày mình được trở nên giống Thiên Chúa, và đồng thời phải lao động, cộng tác với ơn Chúa làm cho mọi tạo vật ngày càng trở nên hoàn hảo hơn.

Thế nhưng khi Tổ tông loài người vì quá ỷ lại tình thương của Thiên Chúa, không vâng lời Chúa canh tân cuộc sống mỗi ngày để được gần Chúa và lắng nghe lời Thiên Chúa, thì ma quỉ đã xâm nhập dụ dỗ phỉnh gạt và ông bà đã nghe lời ma quỉ mà bất tuân lệnh Chúa ; khi không cộng tác với ơn Chúa lao động làm cho mọi vật mỗi ngày tốt hơn thì sẽ bị cám dỗ chỉ biết hưởng thụ và trở thành nô lệ cho vật chất.

Nhìn vào bức tranh của Tổ tông loài người chúng ta có thể rút ra bài học :

Khi con người biết nghe Lời Chúa ra sức lao động và và đặt hết tình yêu trao ban, chia sẽ vào trong đó thì nó sẽ đem lại cho mình hạnh phúc, bình an và niềm vui. Cũng giống như khi cha mẹ nổ lực vất vả lao động vì yêu thương, muốn con cái được no ấm và phát triển, thì dù có mệt mỏi cha mẹ vẫn thấy vui. Nhưng ngược lại nếu lao động để được giàu có và hơn người thì : khi thành công sẽ sinh ra kiêu ngạo vì mình hơn người dể coi khinh người khác, và hậu quả không ai đến với mình ; còn như thất bại thì đâm ra chán nãn thất vọng đau khổ và xa lánh mọi người.

Tin Mừng theo thánh Gioan 10, 22 – 30 mà chúng ta vừa lắng nghe hôm nay giúp chúng ta thấy rõ hơn chiều sâu và điều cần thiết phải có của người lao động. Khi Chúa Giêsu trả lời cho những người Do thái rằng, việc làm (lao động) của Chúa Giêsu là nhân danh Chúa Cha, làm theo ý muốn Chúa Cha khi Người nói : “Tôi nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi”(Ga 10,25). Ý muốn của Thiên Chúa Cha không gì khác hơn là muốn cho con người được sống và sống hạnh phúc. Như thế lao động không còn dừng lại ở chổ tìm kiếm vật chất cho mình được xung túc hơn người, lao động cũng không dừng lại ở chổ mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình, cũng không chỉ là để thăng tiến bản thân hay là tạo cho mình có một chổ đứng vững chắc nào đó trong xã hội như quan niệm thông thường của con người, nhưng lao động đó là làm theo Thánh ý Thiên Chúa để được sống.

Điều này thật khó biết bao trong thế giới đang phát triển như hôm nay, khi mà đồng tiền, vật chất và danh vọng ngày càng lên ngôi, đã đẩy đưa chúng ta rơi vào vòng khống chế của nó. Ngày nay, chúng ta lao động thường là để kiếm được nhiều tiền, để giàu có hơn người, để thỏa mãn khác vọng tiêu thụ vật chất của mình, để tìm kiếm một chổ đứng danh vọng nào đó trong xã hội. Như thế phải chăng con người đang dần dần đi vào bế tắc không lối thoát trong thân phận nô lệ cho đồng tiền và vật chất ?

Không như thế, không phải tất cả mọi người đều bị lôi kéo trở thành nô lệ cho vật chất, nhưng còn rất nhiều người đã biết lắng nghe Lời Chúa và để Thánh Ý Chúa soi dẫn đời mình, nên không bị lệ thuộc mà còn biến chúng thành cơ hội để gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân : Đức Maria và Thánh cả Giuse.

Thánh Giuse Thợ mà chúng ta mừng kính hôm nay, đã được Giáo Hội như người Mẹ hiền luôn quan tâm đến con cái chọn Ngài làm bổn mạng cho những người lao động, như một mẫu gương để chúng ta noi theo và thăng tiến. Quả thật, khi nhìn vào đời sống thầm lặng của Thánh cả Giuse, người mà Kinh Thánh chỉ đôi lần nhắc đến, nhưng mỗi lần nhắc đến là mỗi lần chúng ta nhìn thấy được thái độ tuyệt vời của Ngài khi biết đặt thánh ý Thiên Chúa trên hết mọi suy nghỉ và hành động của mình, và nhờ đó mà ngài xứng đáng với danh hiệu là người công chính, được chọn làm người dưởng nuôi Chúa Giêsu và chăm sóc cho Đức Maria.

Chắc không phải tình cờ mà thế giới chọn ngày một tháng năm làm ngày Quốc tế lao động, nhưng có lẻ muốn những người lao động trên thế giới, biết đề cao lao động không những để mưu sinh mà còn góp phần xây dựng cho thế giới này mỗi ngày càng tốt đẹp hơn như Thiên Chúa mong muốn khi trao cho nhân loại quyền cai quản vũ trụ.

Mừng kính lễ Thánh Giuse thợ hôm nay, chúng ta cùng cảm tạ Chúa đã thương ban cho chúng ta được làm môn đệ và làm con cái Chúa, cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta Thánh cả Giuse làm mẫu gương lao động cần cù, khiêm tốn và tín thác. Xin Chúa cho chúng ta noi gương Thánh Giuse biết tin tưởng, tín thác và làm theo ý Thiên Chúa trong đời sống lao động cần cù, chính đáng để mưu cầu hạnh phúc cho mình và cho tha nhân. Noi gương Thánh Giuse biết tin tưởng tín thác và sống đúng trách nhiệm của một người chồng, người cha trong đời sống gia đình, chu toàn bổn phận trong đời sống đức tin và nhất là hăng say trong đời sống nhân chứng. Amen!.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập135
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm125
  • Hôm nay16,577
  • Tháng hiện tại223,959
  • Tổng lượt truy cập13,239,212
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây