THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Suy niệm Thứ Tư tuần XIV thường niên B

Thứ ba - 10/07/2018 18:07
Tin mừng Mt 10: 1-7: Trong cánh đồng truyền giáo, đôi khi chúng ta cũng vướng vào việc loại trừ người này người kia
Suy niệm Thứ Tư tuần XIV thường niên B
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 10: 1-7)
 
1 Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.2 Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông;3 ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô;4 ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người.5 Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng: 6 Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en.7 Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.
SUY NIỆM

       Chúng ta được kêu gọi sống hiệp nhất. Một trong bốn dấu chỉ của đạo Công giáo cũng là hiệp nhất; và người tín hữu Kitô không ngừng được kêu gọi cầu nguyện cho sự hiệp nhất. Thế nhưng, thực tế trong đời sống đạo, thường xảy ra tình trạng chia rẽ, kéo bè lập phái, nhóm này nhóm kia; và cũng có nơi tình trạng đi đến chỗ tệ hại là loại trừ lẫn nhau. Một tình trạng chẳng những không thể chấp nhận mà còn cần phải được cải tổ một cách triệt để.

        Cha mẹ loại trừ con cái. Con cái chống đối cha mẹ. Vợ chồng không thể nên một như khế ước hôn nhân chỉ vì không thể chấp nhận nhau. Bạn bè tẩy chay, hành tỏi nhau. Thầy trò như không còn có mối liên hệ nào. Tình trạng loại trừ, chia rẽ không chỉ xảy ra ở “đời thường” mà nó còn xảy ra ngay trong giới tu hành… tất cả như mách bảo chúng ta rằng: “Không có gì quí hơn độc lập tự do!

        Về niềm tin: những người cùng tín ngưỡng nghi ngờ nhau, linh mục có những nghi ngờ trong hàng linh mục: thiếu cởi mở, thiếu thông cảm; tu sĩ có những nghi vấn trong cộng đoàn tu sĩ; giáo dân thì khỏi nói, ganh tỵ và đua nhau từng tý: “Trâu buộc ghét trâu ăn”… tất cả như những ung nhọt cần được giải phẫu tận căn! Rõ khổ! Nhưng chúng ta phải nhìn nhận những thực tế đó để mà suy nghĩ, cầu nguyện và ra sức xây dựng cho sự hiệp nhất theo ý nguyện của chính Đức Giêsu: “Xin cho chúng nên một như Cha và Con là một”.

       Trong cánh đồng truyền giáo, đôi khi chúng ta cũng vướng vào việc loại trừ người này người kia; nguy hiểm hơn là chúng ta loại trừ những người không cùng tôn giáo với mình, trong khi đối tượng này mới thiết yếu cần được chúng ta quan tâm và giới thiệu Đức Giêsu cho họ. Chúng ta viện vào Lời Chúa và cho rằng: mình chỉ được sai đến với những chiên lạc của nhà Israel mà thôi! Nhưng chúng ta lại quên rằng, khi nói: “Các con đừng đi về phía dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samaria. Tốt hơn là hãy đến với các chiên lạc của nhà Israel”, Đức Giêsu chỉ nói đến tính cách tạm thời của việc truyền giáo, chứ chưa phải là lần sai đi có tính cách phổ quát sau khi Người phục sinh.

       Tất cả đều qui hướng về Đức Kitô như thánh Biển Đức đã dạy: “Muôn dân biết phục tùng luật lệ và các ước nguyện của Đức Kitô”. Tinh thần qui hướng về Đức Kitô vốn là một thứ nhân bản đích thực đã dung hòa tính siêu việt của lời cầu nguyện với việc làm của con người, vì như thánh Grêgôriô viết: “Thánh Biển Đức, nhờ biết cân nhắc mọi sự cách chín chắn, đã nắm được đầy đủ tinh thần tất cả những người ngay lành”. Và cũng chính vì thế mà thánh Biển Đức được đặt làm bổn mạng Châu Âu, vì thánh nhân đã nêu cao tinh thần hiệp nhất và cầu xin cho sự bình an nơi tâm hồn các tín hữu.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã thiết lập Giáo Hội để tiệp tục sứ mệnh của Chúa trong dòng lịch sử. Nhờ công nghiệp và lời chuyển cầu của thánh Biển Đức, xin Chúa thánh hóa và làm cho chúng con nên hiệp nhất trong tình yêu Chúa và tha nhân, để chúng con ngày càng trở nên xứng đáng hơn với sứ mệnh mà chúng con đã lãnh nhận. Amen.


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập29
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm15
  • Hôm nay7,054
  • Tháng hiện tại121,988
  • Tổng lượt truy cập13,137,241
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây