THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Suy Niệm Chúa Nhật XXXI Thường Niên B

Thứ bảy - 03/11/2018 07:07
Tin mừng Mc 12:28-34: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.31 Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình".
Suy Niệm Chúa Nhật XXXI Thường Niên B
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (12,28-34)

Khi ấy,28 có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giê-su và những người thuộc nhóm Xa-đốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giê-su đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: "Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?"29 Đức Giê-su trả lời: "Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.31 Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó".32 Ông kinh sư nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác.33 Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ".34 Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!" Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.

Suy niệm

Vị kinh sư đến hỏi Chúa Giêsu, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu? Là kinh sư người Do Thái, ắt hẳn ông thuộc nằm lòng điều được viết trong sách Đệ nhị luật về giới răn thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất trên hết mọi sự này. Và có thể nói, bản văn nổi tiếng trong sách luật Môsê được đọc nhiều nhất trong truyền thống Do Thái giáo để nói lên Thiên Chúa mà người Do Thái tôn thờ. Và dĩ nhiên, Chúa Giêsu là người Do Thái, Chúa biết phải trích dẫn điều sách luật dạy một cách nằm lòng. Cuộc đối đáp qua lại giữa Chúa Giêsu và vị kinh sư tưởng chẳng có gì đặc biệt, vì cả hai đều là những người am tường điều Sách Thánh dạy và giữ truyền thống tôn giáo của cha ông. Và cả hai giành cho nhau những lời khen có cánh. Chúa Giêsu thì đối đáp khôn ngoan, am tường và tỏ ra như Đấng có uy quyền; còn vị kinh sư thì lại tỏ rõ là người thông hiểu và cũng vị nể, kính trọng dành cho người đối thoại với mình. 

Nếu hôm nay, có ai đó đến hỏi chúng ta giới răn nào quan trọng, chúng ta cũng nói cách dễ dàng về điều mà chúng ta được học, được dạy và đọc có khi hằng ngày. Chúng ta cũng không ngần ngại giải thích cách thấu suốt và khôn ngoan về các mầu nhiệm thánh của Đạo Chúa. Người đời có thể thán phục chúng ta. Họ trầm trồ về sự hiểu biết và trình bày mạch lạc của chúng ta với những điều chúng ta lĩnh hội được cho đến nay. Tuy nhiên, thật là thiếu sót nếu chúng ta trình bày cho người khác đạo lý của Chúa như một nguyên tắc hay là lề luật; hay khác nữa là chúng ta hiểu rằng giới răn của Chúa được hiểu như một học thuyết, được diễn tả ra như một lý thuyết hay ho. Triết lý của đạo thánh Chúa và thần học mà Giáo Hội trình bày, có sức thuyết phục về lý trí. 

Nhưng chỉ dừng lại như một vẻ đẹp của lý trí thì tôn giáo và thực hành của nó sẽ đi vào ngõ cụt. Khủng hoảng của Giáo Hội ngày hôm nay về nhiều mặt, kể cả mục vụ và những khó khăn của nó không phải là mặt nhận thức, cũng không phải là thiếu sáng kiến về mục vụ để lôi kéo người ta; mà là cách sống của các tín hữu. Sự cạn kiệt ý tưởng sống cho điều chúng ta tuyên xưng ánh xạ lên tôn giáo, phượng tự, lên xã hội, trên con người không còn đi song hành cùng nhau nữa. Việc thờ phượng Chúa đã bị giản lược vào một vài việc thiện hay chỉ rút gọn trong một vài nghi thức qua loa, chiếu lệ. Điều đó có khi khởi phát từ trong Giáo Hội, từ chính trong những cấp thừa tác cao nhất. Điều này thực sự đáng lo ngại và cũng là gợi hứng suy nghĩ cho chúng ta về việc thờ phượng Thiên Chúa trong bối cảnh hiện nay. 

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết thờ phượng Chúa, nhận thức về sự hiện diện của Ngài và tập yêu mến Ngài nhiều hơn. Xin giúp cho chúng con biết diễn tả niềm tin vào Thiên Chúa cách sống động qua cuộc sống của chúng con. Amen.  

  
Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập35
  • Hôm nay9,266
  • Tháng hiện tại144,388
  • Tổng lượt truy cập13,428,762
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây