THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Chúa Nhật V Mùa Chay B

Thứ bảy - 17/03/2018 05:21
Tin Mừng Ga 12: 20-33: Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.
Chúa Nhật V Mùa Chay B
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (Ga 12: 20-33)

20 Trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy-lạp.21 Họ đến gặp ông Phi-líp-phê, người Bết-xai-đa, miền Ga-li-lê, và xin rằng: "Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su”.22 Ông Phi-líp-phê đi nói với ông An-rê. Ông An-rê cùng với ông Phi-líp-phê đến thưa với Đức Giê-su.23 Đức Giê-su trả lời: "Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!24 Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy”.27 "Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến.28 Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha”. Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: "Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa! "29 Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói: "Đó là tiếng sấm! " Người khác lại bảo: "Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy! "30 Đức Giê-su đáp: "Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người.31 Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài!32Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”.33 Đức Giê-su nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.



SUY NIỆM

Hình ảnh "khi hạt lúa rơi xuống đất sẽ vẫn trơ trọi một mình nếu như nó không chịu chết đi. Còn nếu nó chịu tan nát bản thân của nó ra thì mới sinh nhiều bông hạt", chắc hẳn không mấy xa lạ gì với chúng ta, bởi vì đó là luật tự nhiên chi phối cây cỏ. Thế nhưng, quy luật đó đôi khi rất khó áp dụng trong cuộc sống của con người.

Tại sao mình phải chết để người khác được sống? Tại sao khi chết thì mới sinh nhiều bông hạt? Nhưng nhiều bông hạt có ích gì, khi chính bản thân mình bị tan vỡ? 

Khi Chúa Giêsu dạy: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó chỉ trơ trụi một mình. Còn nếu nó chết đi, thì mới sinh nhiều bông hạt”, thì chính Chúa đã thực hiện trước nơi bản thân của Chúa. Thật vậy, như một hạt giống được gieo vào lòng đất, thì khi đi vào trần gian mang lấy thân phận con người, Chúa Giêsu đã chấp nhận mọi hy sinh gian khổ, và nhất là đã chấp nhận chết đi một cách nhục nhã trên thập giá, để rồi từ đó trổ sinh hoa trái của sự phục sinh vinh hiển. Đúng như lời thánh Phaolô đã diễn tả: “Chúa Giêsu đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá, chính vì thế mà Thiên Chúa đã nâng Người lên, ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu”.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã thực hiện được lời dạy của Chúa Giêsu như thế nào?

Nhiều lúc chúng ta muốn theo Chúa, nhưng lại muốn có một cuộc sống dễ dãi và tiện nghi. Chúng ta muốn theo Chúa, nhưng lại bắt Chúa phải chiều theo ý riêng mình. Chúng ta muốn theo Chúa, nhưng lại dễ dàng quên Chúa để thỏa mãn những tham vọng cá nhân, để rồi sẽ bán Chúa như Giuđa, và chối Chúa như Phêrô. 

Chúng ta hãy nhớ lại lời Chúa đã dạy: “Ai muốn theo Ta phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta”. Hay như lời Chúa nói qua đoạn Tin Mừng hôm nay: “Hạt giống phải chết đi thì mới sinh nhiều bông hạt”.

Như trong lời bài hát của kinh Hòa Bình có câu: "Chính khi hiến thân, là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân..."

Ước gì, mỗi người chúng ta đừng tự khép mình trong lớp vỏ để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa, nhưng dám đi ra để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ, và biết chết đi chính mình, để nhờ đó mà chúng ta mới dám hy vọng sống được mầu nhiệm Vượt qua, tức là đi từ cõi chết đến nguồn sống, đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở trước Chúa và mọi người anh chị em chúng ta. Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập51
  • Hôm nay10,407
  • Tháng hiện tại145,580
  • Tổng lượt truy cập13,429,954
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây