THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Chúa Nhật XVIII Thường niên

Thứ sáu - 04/08/2017 18:01
Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao.Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.
Chúa Nhật XVIII Thường niên

Tin Mừng Mt 17: 1-9


1 Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao.2 Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.3 Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người.4 Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: "Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a."5 Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người! "6 Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất.7 Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: "Chỗi dậy đi, đừng sợ! "8 Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi.9 Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông rằng: "Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy."

SUY NIỆM

Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II trong thông điệp “Evangelium Vitae” (Tin Mừng về Sự sống) đã khẳng định: “Con người được gọi tới sự sống sung mãn vượt xa những chiều kích của cuộc sinh tồn trên trái đất nầy, vì được tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa” (EV số 2). Quả thật cuộc sống của con người “được sáng tỏ nhờ lời hứa ban sự sống thần linh và được canh tân nhờ ơn ban sự sống thần linh” (EV số 2) do đó sự hiện hữu của con người chứa đựng bản chất thần linh trong thân xác. Sự biến hình của Chúa Giêsu trên núi Tabor xác quyết điều đó. Giáo lý công giáo tuyên xưng: Chúa Giêsu là người thật, có nghĩa Chúa Giêsu cũng mang lấy thân xác bụi tro của đời sống nhân sinh, và thân xác đó đã biến đổi chói ngời của Đấng thần linh. Sự Hiển Dung nầy đã chỉ cho chúng ta nhận ra “tính thần linh” nơi thân xác của chúng ta, để chúng ta làm một cuộc trở về. Trở về với bản chất đích thật của con người. 

Cuộc trở về nầy không là một cuộc cách mạng đòi quyền làm Chúa. Con người mãi muôn đời vẫn là con người, có nghĩa là mãi là thụ tạo của Thiên Chúa. Con người được mang lấy bản chất thần linh không do yếu tính của mình, nhưng do Tình yêu của Thiên Chúa. Bởi yêu thương, Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh của Thiên Chúa, con người được dự phần vào ánh sáng của trí tuệ Thiên Chúa, để nhờ đó con người khám phá và yêu mến những gì là chân là thiện (x. GS số 15). Bởi vậy lời mời gọi trở về không gì hơn là kêu gọi con người ý thức sự hiện hữu của mình để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Do đó trở về với bản chất thần linh của mình chính là thực hiện một cuộc gặp gỡ với Đấng, nhờ đó mà mình được hiện hữu. Đấng đó chính là Chúa Giêsu, thật vậy nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Chính khi gặp gỡ với Chúa Giêsu, chúng ta thực sự sẽ được Người biến đổi, vì Người như thế nào chúng ta sẽ trở nên giống như vậy. 

Để cuộc gặp gỡ đó được hiện thực trước tiên chính là “hãy vâng nghe lời Người: (Lc 9, 35). Thật vậy, Chúa Giêsu là Lời của Thiên Chúa, Lời chân lý và sự sống, do đó “vâng nghe lời Người” là phương thế duy nhất tạo ra cuộc gặp gỡ với Đấng, nhờ Người mà mình được hiện hữu, và qua đó được biến đổi trở nên giống như Người. Lời Chúa Giêsu được nói lên trong Thánh kinh, trong các Giáo huấn của Giáo hội, của tiếng nói lương tâm, của những người khôn ngoan đạo đức, của ông bà cha mẹ … 

Chính khi tuân giữ “Lời Người” chúng ta thực sự gặp gỡ được Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta, từ đó chúng ta sẽ được biến đổi dung mạo như cuộc Hiển dung của Chúa Giêsu. Thật vậy, chúng ta sẽ lột bỏ được con người ích kỷ hẹp hòi, chất chứa thù hận, ganh ghét, tham lam, chúng ta thực sự mặc lấy dung mạo của người con Thiên Chúa. Như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI. trong Thông điệp “Deus caritas est” (Thiên Chúa là Tình yêu) đã trình bày: “trong quá trình gặp gỡ nầy một điều cho chúng ta thấy rõ là tình yêu không phải chỉ là cảm xúc. Cảm xúc đến rồi đi. Một cảm xúc có thể là một tia sáng loé lên huy hoàng lúc đầu, nhưng nó không phải là sự viên mãn của tình yêu. …. Sự tiếp xúc với những biểu thị hữu hình của tình yêu Thiên Chúa có thể đánh thức trong chúng ta một cảm giác hân hoan xuất phát từ cảm nhận mình đang được yêu. Nhưng cuộc gặp gỡ này cũng thu hút cả ý chí và trí tuệ của chúng ta. Nhìn nhận Thiên Chúa hằng sống là một con đường hướng đến tình yêu, và lời ‘xin vâng’ của ý chí chúng ta trước thánh ý Ngài sẽ kết hiệp trí tuệ chúng ta, ý chí chúng ta và những tình cảm của chúng ta lại trong hành vi ôm trọn tất cả của tình yêu. Nhưng tiến trình này luôn luôn bất tận; tình yêu không bao giờ ‘hoàn tất’ và hoàn toàn; suốt đời, tình yêu thay đổi và trưởng thành, và qua đó luôn trung tín với chính mình.” (Số 17) Từ đó, việc “vâng nghe lời Người” tiếp thục được thể hiện qua việc thực hiện lệnh truyền: “các con hãy yêu thương nhau” (Ga 15, 12). Khi thực hiện lệnh truyền yêu thương nầy, chúng ta tìm thấy bản chất thần linh trong sự hiện hữu của mình, tìm thấy hình ảnh Thiên Chúa nơi mình, vì “nếu anh em giữa các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15, 10).

Sự Hiển Dung của Chúa Giêsu trên núi Tabor là dấu chỉ của niềm hy vọng và cũng là lời mời gọi chúng ta bước vào cuộc hành trình trở về với chính mình, một thụ tạo được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, và được trao ban cho sự sống thần linh. Sự trở về nầy được thực hiện trong từng giây phút của cuộc sống thường nhật bằng một thái độ đáp trả chân thành trước lời mời gọi của Đấng yêu thương, và như thế cuộc trở về chính là “biến đổi từng ngày phàm nhân thành ngày ân sủng” (Karl Rahner), biến những đau khổ thành niềm hoan lạc vinh quang, biến những khước từ thành sự chiến thắng khải hoàn, biến những mất mát vì tình yêu Chúa thành kho tàng bất diệt và như tthế chúng ta đang thực sự biến đổi dung mạo của thân phận bụi tro thành dung mạo chói ngời vinh quang Chúa.

Lạy Chúa, nhờ tình yêu thương, cho dẫu chúng con chỉ là thân phận bụi tro, nhưng Chúa cũng đã đặt để trong chúng con đặc tính thần linh của Chúa, để nhờ đó, chúng con được mời gọi dự phần vào sự sống thần linh của Chúa. Xin cho chúng con biết giữ gìn đặc tính thần linh này qua việc thực thi đời sống đức itin một cách chỉnh chu, luôn lắng nghe Lời Chúa và để Lời Chúa biến đổi chúng con mỗi ngày trong cuộc sống để ngày chúng con càng trở nên giống Chúa hơn. Amen

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập126
  • Máy chủ tìm kiếm16
  • Khách viếng thăm110
  • Hôm nay16,577
  • Tháng hiện tại212,987
  • Tổng lượt truy cập13,228,240
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây