THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Chúa Nhật Lễ Lá - Năm A

Thứ tư - 05/04/2017 01:34
Trước hết Chúa nhật Lễ Lá là việc tưởng niệm cuộc vào thành Giêrusalem cách long trọng.
Biến cố này cho chúng ta thấy giờ của Ngài đã đến. Ngài sẽ phải bước vào cái chết để đem lại ơn cứu độ và sự phục sinh, như hạt lúa mì cần phải mục nát đi thì mới nẩy mầm và kết trái. Trước đó, nhiều lần những người Do Thái chống đối lập mưu giết hại Ngài, nhưng giờ Ngài chưa đến, đồng thời nhiều lần dân chúng định tôn Ngài lên làm vua, nhưng giờ Ngài cũng chưa đến. Còn lúc này giờ ấy đã đến và đã đến thật rồi.
Chúa Nhật Lễ Lá - Năm A



Passion Sunday
Reading I: Isaiah 50:4-7 II: Philippians 2:6-11

Chúa Nhật Thương Khó
Bài Đọc I: Isaiah 50:4-7 II: Philippians 2:6-11

Gospel
Matthew 26:14-27:66

Phúc Âm
Matthêu 26:14-27:66

Interesting Details

• Mt 26:14-75 shows an overall pattern in which the disciples fail more, while Jesus commits more of Himself and suffers more:

14-16 Judas plots against Jesus

17-19 Jesus prepares the Passover

20-25 Judas' betrayal is predicted

26-29 Jesus institutes the Eucharist

30-35 Peter's denial is predicted

36-46 Jesus agonizes in the Gethsemane

47-56 the Disciples flee

57-68 Jesus is tried

69-75 Peter denies Jesus

• Jews of the period would admire the way Jesus suffers: without any complaint. Even the statement "My God, my God, why have you forsaken me" is the first line of Psalm 22 (Psalm 22:1) that concludes with God honoring his people.

Chi Tiết Hay

• Trong khi các môn đệ yếu đuối dần thì Đức Giêsu đau khổ hơn nhưng vững chí hơn (Mt 26:14-75):

14-16 Giuđa mưu bắt Đức Giêsu

17-19 Đức Giêsu chuẩn bị ăn Lễ Vượt Qua

20-25 Tiên đoán sự phản bội của Giuđa

26-29 Đức Giêsu lập phép Thánh Thể

30-35 Tiên đoán Thánh Phêrô chối Chúa

36-46 Đức Giêsu đau khổ trong vườn Gietsimani

47-56 Các môn đệ trốn chạy

57-68 Đức Giêsu bị đưa ra tòa

69-75 Thánh Phêrô chối Chúa

• Người Do thái thời ấy ngưỡng mộ những kẻ yên lặng chịu đựng như Đức Giêsu. Ngay cả lời Ngài trên thập giá "Lạy Cha, lạy Cha, sao Cha bỏ con" cũng không phải là lời than, mà là câu đầu tiên trong Thánh Vịnh 22 (Psalm 22:1) của kẻ tin cậy vào Thiên Chúa.

One Main Point

Jesus suffers and dies.

Một Điểm Chính

Đức Giêsu chịu nạn và chịu chết..

Reflections

Follow Christ and the disciples. Am I committing myself more like Christ, or drifting further away like the disciples?

Suy Niệm

Theo dõi một nhân vật nào đó từ bữa tiệc ly cho tới khi Chúa chết. Nhân vật này có thể là Đức Giêsu, Phêrô, Giuđa, lính La Mã, hay bất cứ ai.


Nghe audio: 
 Chúa nhật Lễ Lá - Năm A

CHÚA NHẬT LỄ LÁ
Lời Chúa: Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mt 26,14–27,66

MỤC LỤC

1. Lễ lá – Mt 21,1-11
2. Con đường Chúa đi – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
3. Ông này là ai vậy?
4. Kinh nghiệm đau đớn của Phêrô – Achille Degeest
5. Cành lá phản bội (Mt 26,14-27,66)
6. Đâu là mối tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu
7. Chọn Chúa Giêsu – ĐGM. Bùi Văn Đọc
8. Lắng nghe cuộc khổ nạn – André Sève

SUY NIỆM

1. Lễ lá – Mt 21,1-11

Qua phần phụng vụ hôm nay, chúng ta cùng nhau chia sẻ ba điểm.

Trước hết Chúa nhật Lễ Lá là việc tưởng niệm cuộc vào thành Giêrusalem cách long trọng.
Biến cố này cho chúng ta thấy giờ của Ngài đã đến. Ngài sẽ phải bước vào cái chết để đem lại ơn cứu độ và sự phục sinh, như hạt lúa mì cần phải mục nát đi thì mới nẩy mầm và kết trái. Trước đó, nhiều lần những người Do Thái chống đối lập mưu giết hại Ngài, nhưng giờ Ngài chưa đến, đồng thời nhiều lần dân chúng định tôn Ngài lên làm vua, nhưng giờ Ngài cũng chưa đến. Còn lúc này giờ ấy đã đến và đã đến thật rồi.

Tiếp đến, với Chúa nhật Lễ Lá, chúng ta tôn kính Đức Kitô là Vua.
Đây là lần đầu tiên trong suốt cuộc đời trần thế, Ngài đồng ý để dâng chúng tung hô vạn tuế Ngài là Vua: Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến. Và cũng chính vì phong cách vương đế này mà Ngài đã bị kết án tử hình. Bản án của Ngài được viết bằng ba thứ tiếng: Do Thái, Latinh và Hy Lạp: Giêsu Nagiarét, vua dân Do Thái. Chính Ngài đã xác quyết trước toà án Philatô: Tôi sinh ra và đến trong thế gian là để làm chứng cho sự thật. Ai tôn trọng sự thật thì nghe tiếng tôi. Sở dĩ như vậy vì vương quốc của Ngài là vương quốc của yêu thương và an bình, vương quôc của sự sống và chân lý.

Sau cùng, Chúa nhật Lễ Lá nhắc cho chúng ta biết về giá trị của những đau khổ.
Thực vậy, sống trên đời là phải đối đầu với khổ đau, bởi vì Lễ Lá dẫn đưa chúng ta vào cuộc thương khó của Chúa, chuẩn bị chúng ta chiêm ngắm cái chết đau thương của Ngài trên đỉnh Canvê. Khi chấp nhận vác thập giá mình mà bước theo Chúa, chúng ta cũng chia sẻ gánh nặng của Ngài. Thế nhưng điều quan trọng không phải là vác đi trong than khóc, mà vác đi trong hy vọng. Bởi vì với Chúa Giêsu, thập giá và phục sinh không thể tách lìa nhau. Với Chúa Giêsu, đau khổ và sự chết không đẩy con người vào ngõ cụt, mà trái lại đem con người tiến bước trên con đường dẫn tới ngày phục sinh.

Điều nghịch lý của Lễ Lá, đó là vị vua của chúng ta đang tiến lên, vị vua đã bênh vực nhân vị, đã xoa dịu mọi đau khổ thể xác cũng như tinh thần của con người, thế nhưng chính vị vua ấy lại thu tích tất cả những đau khổ thể xác cũng như tinh thần của con người vào trong chính bản thân của mình để chết đi một lần thay cho tất cả và đã mở ra cánh cửa vào cõi phúc trường sinh. Và đó cũng chính là niềm hy vọng của chúng ta, bởi vì đau thương là đường lên ánh sáng, gian khổ là đường về vinh quang và thập giá là đường dẫn tới sự phục sinh.

2. Con đường Chúa đi – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

BÀI THƯƠNG KHÓ: Mt 26,14 – 27,66

Lễ Lá có một khởi đầu vui nhưng lại có một kết cục buồn. Khởi đầu Chúa Giêsu long trọng vào thành Giêsusalem. Kết cục, Chúa Giêsu chịu kết án, chịu khổ hình và chết trên thập giá. Con đường vào thành của Người là con đường vinh quang vương giả. Nhưng con đường lên Núi Sọ lại là con đường của kẻ tội đồ.

Đám rước tưng bừng ngày Lễ Lá gọi ta cùng tiến bước theo Chúa. Tiến bước theo Chúa để hiểu rằng hành trình không kết thúc tại cổng thành Giêrusalem với đám đông ngưỡng mộ, với cành lá và quần áo trải thảm đường đi, nhưng kết thúc trên Núi Sọ với thập giá, với những lời nhục mạ, với hai tội nhân đồng hành. Chúa Giêsu không xưng vương trước đám đông cuồng nhiệt nghênh đón, nhưng lại xưng vương trước mặt Philatô, khi tay đã bị trói, khi thân thể đã tan nát không còn hình tượng con người, khi đã mất hết uy tín, đứng trước vành móng ngựa như một phạm nhân. Danh hiệu là Vua chỉ được chính thức ghi bằng chữ viết khi Người bị treo trên thập giá.

Hành trình của Chúa là một hành trình gian khổ. Đích điểm chỉ đạt tới sau khi đã từ bỏ tất cả, không phải chỉ là nhà cửa, y phục mà cả những người thân, cả thành công, cả danh dự, cả mạng sống.

Tiến bước theo Chúa để chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của lòng người.

• Cũng đám đông ấy, hôm trước vừa vung tay chân hoan hô Chúa, hôm sau đã vội vung tay vung chân kết án Chúa.
• Cũng đám đông ấy hôm trước vừa reo hò chúc tụng Chúa, hôm sau cũng vẫn reo hò, nhưng để buộc tội Chúa.
• Cũng đám đống ấy, hôm trước vừa chen lấn nhau để nghênh đón Chúa, hôm sau đã xúm đông xúm đỏ để hành hạ Chúa.
• Cũng đám đông ấy, hôm trước vừa cởi áo, chặt cành lá lót đường Chúa đi, hôm sau đã lột áo Chúa, chặt cành gai cuốn lên đầu Chúa.

Tiến bước theo Chúa để dứt khoát lựa chọn cho mình một con đường.

- Đường vào Giêrusalem chỉ có một và rộng thênh thang. Mọi người đều tụ tập và cùng chung lối bước. Nhưng đường lên Núi Sọ chật hẹp và chia ra muôn ngả. Mỗi người đi theo con đường của mình.

- Đường Giêrusalem đông vui và phấn khởi vì mọi người ca hát tưng bừng. Nhưng đường lên Núi Sọ thật buồn thảm, chỉ có tiếng roi vọt, tiếng than khóc, tiếng chửi rủa.

- Đường vào Giêrusalem mọi người đều theo Chúa, mọi người đều là môn đệ Chúa. Nhưng đường lên Núi Sọ chỉ còn ít người theo Chúa. Có những người đã phản bội. Có những người đã trốn chạy. Có những người đã chối bỏ Thầy.

- Đường vào Giêrusalem có con lừa chở Chúa. Nhưng đường lên Núi Sọ Chúa phải vác thánh giá.

Đi theo Chúa trên đường vào Giêrusalem thì dễ dàng và vui vẻ. Nhưng theo Chúa trên con đường Núi Sọ mới thật chông gai.

Nếu tôi có mặt ở đó, tôi sẽ dễ dàng hoà nhập vào đoàn người cầm cành lá đón rước Chúa. Nhưng khi Chúa đi lên Núi Sọ, tôi sẽ rẽ sang đường nào? Tôi sẽ rẽ sang con đường phản bội của Giuđa? Tôi sẽ rẽ sang con đường chối Chúa của Phêrô? Tôi sẽ rẽ sang những con đường hẻm in dấu chân trốn chạy của các môn đệ? Tôi sẽ phụ họa với đám đông kết án Chúa? Hay tôi cũng theo quân lính đánh đập Chúa? Trước sau gì tôi cũng phải lựa chọn một con đường.

Lạy Chúa, xin cho con luôn tiến bước theo Chúa trên mọi nẻo đường Chúa đi. Xin thêm sức cho con để con kiên trì theo Chúa trên đường lên Núi Sọ. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1. Hãy so sánh đường vào thành Giêrusalem và đường lên Núi Sọ.
2. Nếu bạn có mặt ở Giêrusalem hôm ấy bạn sẽ làm gì?
3. Bạn dám có lập trường riêng hay bạn chỉ biết làm theo đám đông?

3. Ông này là ai vậy? (Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Từ trước tới nay, chưa một lần nào Đức Giêsu tìm cho mình chút vinh quang trần thế. Còn bây giờ, khi cái chết đã gần kề, Ngài chấp nhận sự tán tụng của đám đông, và chính Ngài cũng muốn ngồi trên lưng một con lừa để khiêm tốn tiến vào thành thánh.

Nhiều người trải áo hay chặt cành cây rải trên lối đi. Tiếng hò reo vang dậy. Người ta tung hô Ngài là Đấng Mêsia, là Con vua Đavít. Quả thật Ngài là Vua Mêsia, nhưng rồi đây người ta sẽ biết cách làm vua của Ngài: qua đau khổ và cái chết ô nhục trên thập giá.

Lễ Lá là một lễ vui, nhưng lại đượm buồn. Ta được nghe bài thương khó trong thánh lễ. Tuần thánh đã bắt đầu. Đức Giêsu bước vào những ngày cuối đời. Rước lá đi theo Ngài trong vài giờ là điều dễ. Theo Ngài giữa lúc Ngài được tung hô, chẳng khó gì. Nhưng tiếp tục theo Ngài và ở lại khi Ngài bị mọi người bỏ rơi, điều đó khó hơn nhiều.

Chúng ta thường cảm thấy mệt khi nghe đọc bài Thương Khó. Nếu chúng ta dành thì giờ để suy niệm về cuộc khổ nạn, ta sẽ thấy lời nói và thái độ của Đức Giêsu có sức nâng đỡ và biến đổi ta, giúp ta đón nhận mọi gai góc của cuộc sống.

Cần cảm nghiệm những đau đớn trên thân xác Chúa, nhưng đừng quên những nỗi đau sâu kín của trái tim Ngài, và nhất là đừng quên nhận ra một Tình Yêu, Tình Yêu vô cùng lớn đối với Cha và nhân loại. Chỉ Tình Yêu mới làm cho khổ đau sinh trái.

Con Thiên Chúa không xa lạ với khổ đau của phận người. Ngài biết thế nào là bị vu khống, bất công, phản bội, thế nào là bị nhục nhã, sợ hãi, cô đơn và giết chết. Ngài không phân tích mầu nhiệm đau khổ, nhưng Ngài đón lấy đau khổ với rất nhiều tình yêu, và lập tức nó có ý nghĩa.

Bạn có thể thấy mình giống Giuđa, Phêrô hay Philatô. Chẳng ai vô tội trước cái chết của Con Thiên Chúa. Hãy đi với Đức Giêsu qua từng chặng đường, từ Vườn Dầu đến tận Núi Sọ. Đừng theo Chúa như một người lạ quay video cho đám tang, bởi lẽ mọi sự Ngài chịu là vì bạn và cho bạn.

Sau khi đã thấm nhuần cuộc Khổ Nạn, bạn sẽ thấy mình yêu thánh giá của Chúa hơn, mến thánh giá của mình hơn, và kính trọng thánh giá của người khác hơn.

Gợi Ý Chia Sẻ

• Bạn hãy đọc chương 26 và 27 của Tin Mừng thánh Matthêu. Điều gì đánh động bạn hơn cả khi nhìn ngắm Đức Giêsu?
• Theo ý bạn, Đức Giêsu có thể tránh né cái chết được không? Tại sao Ngài tự nguyện đón nhận cái chết thập giá?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con dám hành động theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.

Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện, vì xác tín rằng Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con, Chúa ngàn lần quảng đại hơn con, và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.

Lạy Chúa Giêsu trên thập giá, xin cho con dám liều theo Chúa mà không tính toán thiệt hơn, anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ, can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim, và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.

Ước gì khi dâng lên Chúa những hy sinh làm cho con tim con rướm máu, con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt của người một lòng theo Chúa.

4. Kinh nghiệm đau đớn của Phêrô – Achille Degeest. (Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)

Bài tường thuật cuộc đau khổ của Chúa Giêsu thật khó diễn giải. Tự nó đã nói rất nhiều rồi. Phải đọc trong tinh thần cầu nguyện, phải để nó thấm nhập vào mình, tìm cách chịu đựng tính chất thực tế của nó, mở lòng đón nhận cái sứ điệp nó đề nghị. Chúng ta thử dừng lại ở một điểm: ở kinh nghiệm khác thường của Phêrô, vị tông đồ tự phụ, yếu đuối, ăn năn.

1) Hai câu 26,33-34 cho ta thấy Phêrô trung tín chừng nào, nhưng đồng thời cũng không biết rằng chước cám dỗ có thể bất ngờ và dữ dội ra sao. Trong những trường hợp khác, ông nghe lời Chúa Giêsu mà quyết định ngược lại với chính mình, còn đây ông lại phản đối lời Người. Chúa báo trước các môn đệ sẽ lìa bỏ Người. Phêrô cho là chuyện khó tin, không thể xảy ra được. Chúa nói thêm rằng ông sẽ chối Chúa trước khi gà gáy. Lẽ ra ông phải lo sợ, phải cầu xin cho khỏi sa ngã, đàng này ông phản ứng mạnh mẽ, đầy tin tưởng vào mình. Ông thành thực lắm. Ông cảm thấy không gì lay chuyển tình yêu đối với Thày. Ông không thể chấp nhận lời Chúa Giêsu báo trước rằng ông sẽ sa ngã. Cuối cùng, khi Chúa dặn ông phải tỉnh thức và cầu nguyện, thì Phêrô không thức, nhưng lại ngã ra ngủ, lòng vẫn đầy tin tưởng vào mình. Phải chăng ta gặp thấy một ‘âm vang’ của cái kinh nghiệm đau đớn này trong lời căn dặn mà sau này Người sẽ viết ra: “Hỡi anh em, hãy tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ thù địch của anh em như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé…” (1Pr 5,8).

2) Kẻ thù ồn ào và gầm thét đã tấn công Phêrô, đó là đám đông đã bắt Chúa Giêsu và tìm hết cách tỏ lòng căm phẫn đối với Người. Phêrô lo sợ, mà không biết mình sợ. Vì không biết mình, nên ông đã không thấy rõ sự yếu đuối của mình, do đó ông đã liều lĩnh: Phêrô theo Chúa xa xa, đến dinh thày cả thượng phẩm. Ông tưởng rằng sự việc rồi cũng sẽ kết thúc như bao nhiêu lần Chúa Giêsu đã chấm dứt những hành vi gây hấn của bọn Do thái. Ông chờ đợi mà không đề phòng. Ông sẵn sàng để sa ngã. Chỉ một câu hỏi của một người đàn bà cũng làm ông bối rối, một nỗi bối rối xen lẫn sợ hãi, tính hèn nhát và bản năng bảo tồn, mặc cảm tự ti là người xứ Galilêa, ‘khả năng’ nói dối. Ông chối Chúa Giêsu.

3) Nhưng Phêrô hối hận. Tiếng gà gáy làm ông nhớ lại lời tiên báo của Chúa. Ở đây, vẻ cao quý của Phêrô là ở lòng khiêm nhường, thành thực, tin tưởng dù đã sa ngã. Ông khiêm nhường vì nhận ngay mình có tội mà không phân tích lỗi lầm để tìm cớ chữa mình. Ông thành thực vì không quanh co trong việc nhìn nhận một lỗi lầm nghịch lại lời cam kết với Chúa Giêsu. Ông cảm thấy lờ mờ rằng nhờ nhận lỗi mình cách thành thật, ông được Thày khoan dung tha thứ. Ông khóc vì cảm động, và vì đối với một người khí phách như ông, thì đó có lẽ là cách duy nhất để xin lỗi. Phêrô thống hối đã được tha thứ và nên hùng tráng.

5. Cành lá phản bội (Mt 26,14-27,66). (Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’ của – R. Veritas)

Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh hoạ Rembradt, người Hoà Lan, sống vào thế kỷ 17, đó là bức tranh “Ba Thập Giá”. Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm: giữa thập giá của hai người bất lương, thập giá của Chúa Giêsu trổi lên một cách ngạo nghễ. Dưới chân thập giá là cả một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét… Tác giả như muốn nói rằng: không trừ một người nào mà không dính líu vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.

Nhìn kỹ vào đám đông, người ta thấy có một gương mặt như mất hút trong bóng tối, nhưng một vài nét cũng đủ cho các nhà chuyên môn chuẩn đoán rằng đó chính là khuôn mặt của danh hoạ Rembrandt, tác giả của bức tranh này.

Tại sao giữa đám đông của những kẻ đằng đằng sát khí khi tham dự vào cuộc thảm sát Chúa Giêsu, Rembradt, nhà danh hoạ lại chen vào khuôn mặt của mình?

Câu trả lời duy nhất mà người ta có thể đưa ra để giải thích về sự hiện diện của tác giả giữa đám người lý hình: đó là ý thức tội lỗi của chính ông. Rembrandt muốn thú nhận rằng: chính tội lỗi của ông đã đóng góp vào việc treo Chúa Giêsu lên thập giá. Và qua sự có mặt của ông, tác giả cũng muốn nói với mỗi người chiêm ngắm bức tranh rằng, họ cũng dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.

Anh chị em thân mến,
Dưới cái nhìn lịch sử thì quả thực cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là hành động tội ác của những người Do Thái và La Mã cách đây hai ngàn năm. Phêrô đã chối bỏ Ngài. Philatô đã rửa tay để chối bỏ trách nhiệm của ông. Những người Do Thái đã cuồng tín kêu gào đóng đinh Ngài vào thập giá. Các binh sĩ La Mã đã đánh đập, hành hung Ngài và cuối cùng treo Ngài lên thập giá.

Nhưng dưới cái nhìn của người có niềm tin, thì cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm bởi vì chúng ta không thể hiểu được tại sao Con Một Thiên Chúa đã phải trải qua một thân phận đớn đau như thế? Mầu nhiệm, bởi vì một cách nào đó, người có niềm tin cũng cảm thấy mình đã thực sự tham dự vào việc đóng đinh ấy. Chúng ta tuyên xưng rằng Ngài đã chịu đóng đinh vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, nghĩa là chính do tội lỗi của chúng ta mà Ngài đã phải bị treo trên thập giá. Tội lỗi của chúng ta ngày này, cho dù cách xa hai ngàn năm, vẫn là một chối bỏ, một tiếng reo hò, một xỉ vả hoặc chính là một cái đinh đóng vào thân thể Ngài…

Thử hỏi, nếu tôi là người đương thời có liên quan đến vụ án của Chúa Giêsu, tôi sẽ đứng trong nhóm người nào và với thái độ nào?

Phải thú nhận rằng, tôi không dễ gì làm được như ông Simon thành Syrênê đã vác đỡ thập giá Chúa Giêsu. Nhưng cũng đừng vội quả quyết rằng, tôi không thể đứng về phía đám quần chúng đả đảo Chúa, không thể là Phêrô chối Chúa, hoặc là nhóm tông đồ trốn chạy, hoặc là Phalatô lên án người vô tội, hoặc là đám quân lính đánh đòn và đóng đinh Chúa. Trái lại, kinh nghiệm bản thân tôi cho thấy rõ ràng tôi rất yếu đuối, dễ đứng về phe kẻ mạnh thế, không dám can đảm bênh vực công lý và dễ dàng trung thành với Chúa trên môi miệng cũng như khi mọi sự đều xuôi chảy, nhưng lại phản bội Chúa dễ dàng trong hành động cụ thể và khi gặp nghịch cảnh, tương tự hành động của Giuđa! Chúng ta không ai vô tội trước cái chết của Con Thiên Chúa. Ngài vẫn còn hấp hối cho đến ngày tận thế.

Thưa anh chị em, với Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay, Tuần Thánh đã bắt đầu. Đức Giêsu vào thành Giêrusalem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua đem lại ơn cứu độ cho loài người. Bề ngoài, cuộc tiến vào thành Giêrusalem giữa tiếng tung hô của đám đông quần chúng nô nức phất cao cành lá “hoan hô Con Vua Đavit” có vẻ một cuộc toàn thắng vang dội. Thực ra, đây là một cuộc mở màn Thương Khó mỉa mai nhất và có lẽ cũng là giai đoạn bi thương nhất của cuộc Thương Khó. Bởi vì Chúa biết rõ rằng trong niềm phấn khởi chóng qua của quần chúng đã chất chứa một sức phản bội sẽ bùng nổ dữ dội trước mặt Tổng trấn Philatô, trong tiếng kêu gào vào những bàn tay nắm chặt đưa lên: “Đả đảo! Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá!”.

Rước lá đi theo Chúa Giêsu trong vài giờ không phải là một điều khó khăn lắm. Đi theo Chúa giữa lúc Ngài được tung hô chúc tụng là điều dễ dàng. Nhưng tiếp tục đi theo Ngài khi Ngài đã bị mọi người bỏ rơi và lên án, điều đó khó hơn nhiều. Tin Mừng không thấy nói đến một ai dám lên tiếng bênh vực cho Chúa Giêsu vào lúc đó, mà chỉ thấy lên tiếng đòi phóng thích cho tên đạo tặc Baraba. Nếu Kitô hữu được định nghĩa là người đi theo Chúa Giêsu, thì chắc chắn chúng ta sẽ có lúc nghiệm thấy nỗi khó khăn khi phải đến nơi mà mình không muốn đến. Còn đường bước theo Chúa có lúc vui, lúc buồn. Chúng ta phải có mặt ở trong đám đông hoan hô Chúa khi vào thành đô Giêrusalem và cũng không được vắng mặt khi Ngài hấp hối trên thập giá.

Trong những ngày thánh này, chúng ta phải tìm thời giờ đọc lại chậm rãi cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Hãy để cho tâm tình, lời nói và hành động của Chúa Giêsu thấm nhuần và biến đổi chúng ta. Trong cuộc khổ nạn của Chúa, chúng ta bắt gặp rất nhiều tình huống tăm tối của đời thường: vu khống, phản bội, ghen tương, bất công, nhục nhã, đau khổ, sợ hãi, cô đơn, hèn nhát, cái chết… Nhưng trên hết, chúng ta bắt gặp một tình yêu. Tình yêu vô cùng lớn của Đức Giêsu đối với Chúa Cha và nhân loại. Chỉ có tình yêu mới làm cho mọi khổ đau có giá trị cứu độ.

Càng suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thấy mình càng yêu thánh giá của Chúa hơn, yêu thánh giá của mình hơn và kính trọng thánh giá của người khác hơn.

6. Đâu là mối tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu

Chúng ta vừa đi lại con đường tử nạn của Chúa Giêsu, trong đám đông những người trực tiếp hay gián tiếp tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa, mỗi người chúng ta cũng có thể nhận diện được chính mình. Chúng ta có thể là các môn đệ của Chúa Giêsu, những người cho đến giờ phút chót vẫn còn thề thốt theo Ngài nhưng liền sau đó đều bỏ trốn. Chúng ta có thể là Giuđa, người chỉ vì một chút lợi lộc vật chất mà có thể bán chính lương tâm của mình để phản bội Thầy. Chúng ta có thể là đám đông ngày hôm trước tung hô vạn tuế Ngài, ngày hôm sau hô hoán "đóng đinh nó vào thập giá". Chúng ta có thể là các thượng tế, những người chỉ có mù quáng mà kết án người vô tội. Chúng ta có thể là Tổng Trấn Philatô, người chỉ vì chức quyền, danh vọng mà chà đạp công lý. Chúng ta cũng có thể là đám lý hình, những kẻ chà đạp và hành hạ người khác không chút xót thương. Đâu là chỗ đứng của chúng ta trong cuộc tử nạn của Chúa Giêsu? Đâu là mối tương quan của chúng ta với Ngài? Trong suốt Tuần Thánh này, Giáo Hội mời gọi chúng ta trở lại con đường thập giá của Chúa Giêsu và tỉnh thức lại chọn lựa canh tân đời sống chúng ta. Ước chi Tuần Thánh không diễn ra do những nghi thức quen thuộc trống rỗng, trong đó chúng ta chỉ đứng nhìn như khách bàng quan mà là những bước đường thập giá, qua đó chúng ta quyết tâm đi theo Chúa Giêsu đến cùng, để trong sự Phục Sinh của Ngài, chúng ta được thực sự trở thành con người mới.

7. Chọn Chúa Giêsu – ĐGM. Bùi Văn Đọc (Bài Giảng của Đức Cha Bùi Văn Đọc trong Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Lá năm 2005 cho Giới Trẻ)

Cha phải nói với chúng con những gì trong thánh lễ chiều nay? Cha đã cầu nguyện rất nhiều, và Chúa đã dạy cha.

Chiều nay, cha mời gọi chúng con cùng với cha, chúng ta hãy quyết tâm thực hiện điều quan trọng nhất đối với cuộc sống kitô hữu của chúng ta: hãy chọn Chúa Giêsu giữa nhiều đối tượng, dù Chúa Giêsu chịu đóng đinh, dù Người chịu treo trên thập giá, Người bị bỏ rơi, dù Người bị sỉ nhục, và bị giết chết...

Chúa Giêsu vẫn tiếp tục bị sỉ nhục ngày hôm nay; Chúa Giêsu vẫn tiếp tục bị bôi tro trét trấu trên gương mặt đẫm máu của Người. Chúa Giêsu vẫn không ngừng bị bôi nhọ cho đến ngày tận thế, bấy giờ không ai có thể bôi nhọ Người nữa, vì Người trở lại trong vinh quang để phán xét mọi người.

Chúng ta chọn lựa Chúa Giêsu, dù có những tiếng kêu mời khác: tiếng kêu mời của hưởng thụ và tiện nghi, của lợi nhuận và tiền bạc, tiếng mời gọi của danh vọng và địa vị, của các loại tình cảm và đam mê. Chính Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con và đã cắt đặt các con để các con đi và sinh nhiều hoa trái và hoa trái các con tồn tại (Ga 15, 16).

Khi nói như thế, Chúa Giêsu cố ý dạy chúng ta rằng: chính tình yêu của Người đi bước trước: Chúa Giệsu yêu chúng ta trước, chứ không phải chúng ta yêu Người trước. Như lời kinh Tin Kính: vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế, nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người. Người đã chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta. Người đã chết vì tội lỗi chúng ta như lời Kinh Thánh và như lời thánh Phaolô, Người đã sống lại cho chúng ta được nên công chính, được cứu độ, được chia sẻ Thần Khí Phục Sinh của Người, thông phần sự sống thần linh của Người...

Khi nói với các môn đệ không phải các con đã chọn Thầy, Chúa Giêsu không cố ý nói rằng các con đừng chọn Thầy, đừng theo Thầy. Trái lại Người luôn mời gọi hãy theo Thầy, hãy từ bỏ mọi sự vác thập giá mà theo Thầy. Và đã có biết bao nhiêu người trẻ bỏ mọi sự mà theo Người.

Đứng trước những khó khăn, Chúa Giêsu còn cho thấy rõ ràng là phải chọn lựa, như trường hợp có nhiều người bỏ Chúa Giêsu, nhiều môn đệ nói với Người: lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi? Bấy giờ Chúa Giêsu đã hỏi nhóm 12: các con cũng muốn bỏ đi hay sao? Và ông Simon Phêrô đã nhanh nhẩu đáp thay cho nhóm 12: thưa Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đến với ai? Chỉ có Thầy mới có lời đem lại sự sống đời đời (Ga 6, 67-69).

Các con sẽ nói với Chúa Giêsu như thánh Phêrô: Thưa Thầy, bỏ Thầy chúng con theo ai? Chỉ theo Thầy, chúng con mới có những lời ban sự sống đời đời. Các con chọn Chúa Giêsu; Các con có biết rằng chọn Chúa là chọn lời của Người, chọn Tin Mừng của Người không? Lời của Người vẫn còn chướng tai đối với nhiều người hôm nay. Giáo huấn của Người, dù rất tiến bộ vẫn bị coi là bảo thủ đó! Muốn vâng nghe lời Người, đôi lúc các con phải lội ngược dòng sông!

Theo bài tường thuật cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu hôm nay, đám đông người Do Thái đã bị xúi giục chọn lựa Barraba, và họ đã chọn ông. Còn Chúa Giêsu, thì họ để cho bị lôi đi đánh đòn, và giết chết. Các con có dám nói ngược lại với đám đông không? Các con có dám chọn Chúa Giêsu, khi nhiều mãnh lực thế gian tìm cách loại bỏ Người? Các con có sợ mình lỗi thời khi chọn Chúa Giêsu không? Có nhiều người, vì sợ lỗi thời mà đã bỏ Chúa. Nhưng tất cả những ai đã bỏ Chúa rồi sẽ thất vọng, vì thế gian này qua đi, chỉ có Chúa mới tồn tại. Chỉ có Chúa mới là Tương Lai đích thực của loài người.

8. Lắng nghe cuộc khổ nạn – André Sève

Chúng ta vừa nghe lại trần thuật về cuộc khổ nạn. Suy niệm về cuộc khổ nạn là cách suy niệm tốt nhất trong tuần thánh để nuôi dưỡng đức tin và tình yêu của chúng ta. Thật vậy, chúng ta biết rõ trần thuật kinh khủng này, và mỗi lần nghe chúng ta đều cảm động. Chúa Giêsu đã chịu đau khổ đến thế sao? Nhưng trong niềm thương cảm của chúng ta những câu hỏi cứ len vào, khó mà loại bỏ được. Tại sao Ngài phải chịu đau khổ và phải chết? Những điều đó cứu độ chúng ta như thế nào?

Những đau khổ và cái chết cứu độ chúng ta không phải vì đó là những đau khổ và cái chết, mà bởi vì đó là kết cục của một cuộc sống can đảm và yêu thương. Việc Chúa Giêsu đấu tranh để làm cho con người nhận biết tình yêu của Thiên Chúa và để thiết lập sự công bằng tình thương thực sự giữa con người với nhau đã làm cho các nhà lãnh đạo tôn giáo và cuối cùng là toàn dân chống lại Ngài.

Trên thập giá, Chúa Giêsu cho chúng ta biết yêu thương bằng bất cứ giá nào và yêu thương cho đến cùng có nghĩa là gì. Ngài đã không được sinh ra để chịu đau khổ. Ngài đã được sinh ra để yêu thương và dạy chúng ta yêu thương. Sứ mạng này đã dẫn Ngài đến sự đau khổ, nhưng thập giá không phải là một trường học của sự đau khổ mà là của tình yêu.

Chúa Giêsu dạy ta điều gì trong sự khổ nạn của Ngài? Tình yêu của Ngài mạnh mẽ và tự do, và chúng ta không nên ở quá xa Ngài trên con đường này. Đứng trước những lời kêu gọi yêu thương chúng ta để mình bị cô lập quá nhiều do sự kiêu căng và bị tê liệt do sợ hãi, chúng ta trở nên điếc và mù vì chúng ta chỉ nghĩ đến chúng ta mà thôi. Chúa Giêsu có thể nghe tất cả những lời kêu gọi bởi vì Ngài không bao giờ quan tâm đến lợi ích của chính mình. Ngài không bao giờ lùi bước trước khó khăn, trước sự không hiểu, trước đe dọa nào khi yêu. Ngài đã thấy sự ghen ghét nổi lên và Ngài vẫn tiếp tục tiến bước. Làm sao chúng ta không xấu hổ về những né tránh của chúng ta được? Trên thập giá, Ngài đã nói rằng khả năng lớn nhất của con người đó là có thể yêu thương.

Nếu chúng ta quen thuộc với những khó khăn trong việc yêu thương (và những vui mừng nữa!) thì chúng ta lại ít biết đến khả năng sống còn của tình yêu. Trong cái chết của Chúa Giêsu, khả năng này lớn đến nỗi nó sẽ bùng nổ thành sự sống lại. Nó mở ra một thế giới mới trong đó điều kỳ diệu sẽ xảy ra mỗi lần có một người muốn và có khả năng yêu như Chúa Kitô.

Người ta không suy nghĩ rốt ráo đến những gì cuộc Khổ nạn đã có khả năng và sẽ có khả năng thực hiện. Người ta quá trì trệ trong những suy niệm thống khổ trong khi phân tích tỉ mỉ những đau khổ của Chúa Giêsu cho đến cùng thay vì phải thấm nhuần tình yêu và lòng can đảm của Ngài. Đây không phải là nơi than vãn về Chúa Giêsu cũng như về chúng ta, đây là nơi kêu gọi lòng anh dũng và sự sáng suốt: đó là cái giá tình yêu phải trả, nhưng trong những đau khổ này tình yêu giải phóng biết bao khả năng sinh tồn!

Còn lại việc xem sự sáng suốt của chúng ta phát hiện ra điều gì. Việc gặp gỡ Chúa Giêsu trên thập giá sẽ vô ích nếu việc gặp gỡ đó không mang lại kinh nghiệm đức tin nơi Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế. Nếu chúng ta tin rằng những đau khổ của Ngài đã mang lại cho chúng ta khả năng sống trọn vẹn, thì chúng ta hãy đi đến thập giá bày tỏ một sự bất lực của chúng ta, để có được một sự chiến thắng. “Lạy Chúa Giêsu, cái chết của Ngài chẳng vô ích chút nào”.

Nguồn tin: Giuse Bảo Sơn:

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://giaoxusonghinh.org là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập121
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm115
  • Hôm nay10,669
  • Tháng hiện tại176,566
  • Tổng lượt truy cập13,460,940
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây