THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

Thứ sáu - 28/04/2017 11:46
Hai môn đệ không nhận ra Chúa vì họ đi ngược đường, đi về phía mặt trời lặn. Đức Kitô là ánh sáng cho trần gian (Ga 12,46).
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH
Câu chuyện về làng Emmaus hôm nay chỉ có thánh sử Luca kể lại. Điều làm chúng ta thắc mắc: vì sao hai môn đệ không nhận ra thầy của mình?
Hai lý do mà chúng ta không thể bỏ qua:

1. Quan điểm: Người Do-thái nghĩ: “Kẻ đã bị treo là đồ chúc dữ của Thiên Chúa” (Đnl 21,23) . Ý tưởng về một Đấng Thiên Sai bị đóng đinh là không thể chấp nhận. Sự thật ở đây là Thầy Giêsu đã chết rồi, mấy hôm nay Thiên Chúa cũng chẳng can thiệp gì.

2. Ngoại cảnh: Emmaus ở về hướng tây Giêrusalem, hai môn đệ đi về buổi chiều (Lc 24,29), ngược hướng mặt trời lặn, hiện tượng bị lóa mắt xảy ra.
Có lẽ hai lý do trên đã tạo ra cú sốc tâm lý và tâm thần hai môn đệ, khiến các ông không nhận diện được Thầy lúc đi đường. Thầy của mình đã bị treo, bị giết chết. Hy vọng bị dập vùi, niềm tin cũng tàn lụi. Cái chóa mắt cũng góp phần đẩy xa khoảng cách thầy trò, mặc dù họ đang bộ hành chuyện vãn.

Một ý nghĩa khác mang tính biểu tượng được đọc thấy trong Sách Dân Số: Con cái Isarel theo chỉ dẫn của Chúa, đi về phía mặt trời mọc (21,10-11). Hai môn đệ không nhận ra Chúa vì họ đi ngược đường, đi về phía mặt trời lặn. Đức Kitô là ánh sáng cho trần gian (Ga 12,46). Ai đi về phía bóng đêm, kẻ ấy khó nhận ra Ngài.

Chìa khóa để hai môn đệ nhận ra người đồng hành chính là Thầy và là Chúa của họ, đó là Thánh Kinh. “Bắt đầu từ Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24,27). Các ông tìm lại được niềm tin và hy vọng nhờ thông hiểu kinh thánh. Thánh Phê-rô trong bài đọc hai xác quyết điều này: “Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa” (1Pr 1,21).

Gặp Chúa rồi, ngay trong đêm hai người trở lại Giêrusalem gặp các bạn hữu, chia sẻ kinh nghiệm về Chúa phục sinh, niềm tin vào Thiên Chúa chiến thắng cái chết để cứu độ con người nơi các ông gia tăng rõ rệt.

Kinh nghiệm của hai môn đệ hôm nay cũng là của chúng ta. Lúc ta tưởng Thiên Chúa vắng mặt thì Ngài đang gần bên (câu 15). Khi ta nhận ra Ngài gần bên thì Ngài biến mất (câu 31). Nhưng khi ngài biến mất ta cảm nghiệm sâu hơn sự hiện diện của Đấng phục sinh qua đời sống đức tin, Ngài không còn bên cạnh mà ở trong lòng chúng ta qua Bí Tích Thánh Thể.

Không chỉ tại Bàn Tiệc Thánh chúng ta mới gặp Chúa. Ta có thể gặp Ngài bất cứ bữa ăn nào. Ngài không chỉ là chủ đền thờ, mà còn là khách của mỗi gia đình chúng ta . Đấng phục sinh vẫn đến với chúng ta hôm nay qua một người bạn hay một lữ khách tình cờ gặp gỡ.

Trên bản đồ địa lý, vị trí ngôi làng Emmaus không được xác định rõ ràng , nhưng nơi nào người ta gặp được Chúa, gặp một nghĩa cử yêu thương thì nơi đó là Emmaus. Như thế, Emmaus cũng có nghĩa là gặp gỡ trong yêu thương.
Mời Chúa ở lại với con, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn! (Lc 24,29) Amen.
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Bá Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập171
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm136
  • Hôm nay23,267
  • Tháng hiện tại235,045
  • Tổng lượt truy cập13,250,298
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây