THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Lộ Trình Bữa Tối Cuối Cùng - Thứ 5 Tuần Thánh

Thứ năm - 02/04/2015 10:00

Lộ Trình Bữa Tối Cuối Cùng - Thứ 5 Tuần Thánh

Hôm nay toàn thể Giáo Hội bắt đầu bước vào tam nhật Thánh, tưởng niệm việc Ðức Giêsu thiết lập Giao Ước mới trong Mình và Máu Thánh Chúa.
THỨ NĂM TUẦN THÁNH
LỘ TRÌNH “BỮA TỐI CUỐI CÙNG”
Xh 12, 1-8. 11-14; 1 Cr 11, 23-26; Ga 13, 1-15
 
Khi nói đến “Tiệc Ly” thì tôi lại nghĩ ngay đến một tác phẩm nổi tiếng của Leonardo Da Vinci có nhan đề là bức vẽ “Bữa tối cuối cùng” – The last Supper. Khi người ta xem bức họa Tiệc ly, họ vẫn nghĩ đó như một bữa tiệc giã biệt huynh  đệ thông thường. Đối với người Kitô hữu, ý nghĩa của “Tiệc Ly” không thể dừng lại ở đó. Nét bao trùm toàn khung cảnh của BỮA TIỆC CUỐI CÙNG giữa Đức Giêsu và các môn đệ chính là thông điệp của TÌNH YÊU và sự PHỤC VỤ.

Hôm nay toàn thể Giáo Hội bắt đầu bước vào tam nhật Thánh, tưởng niệm việc Ðức Giêsu thiết lập Giao Ước mới trong Mình và Máu Thánh Chúa. Việc Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể  và chức Tư Tế và kèm theo lời giáo huấn: “Thầy ban cho anh em điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34) như trăn trối cuối cùng của Ðức Giêsu, trước khi Ngài giã từ thế gian đề về cùng Cha. Nếu nhìn diễn cảnh của ba bài đọc trong phụng vụ Thánh Lễ Tiệc Ly hôm nay, cho thấy Thiên Chúa đã thực hiện chương trình cứu độ theo ba lộ trình: Chuẩn bị, trao quyền và sai đi

1. Chuẩn bị: Bí tích Thánh Thể để nuôi dưỡng nhân loại.

Với "Những chỉ thị về bữa Tiệc Vượt qua"  ở bài đọc I cho thấy Lễ Vượt Qua là lễ trọng nhất trong ba lễ trọng của người Do Thái; Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuần và Lễ Lều. Lễ Vượt Qua được bắt đầu vào ngày 14 tháng Nissan, kéo dài thêm một tuần sau đó (x. Lv 23,4-7). Theo các nhà chú giải Thánh Kinh, Nissan là tháng đầu của mùa gặt, vào mùa xuân, mùa đầu tiên của chu kỳ thời gian. Người ta mang đến Đền Thờ những hoa trái đầu tiên của mùa màng từ ngày thứ hai của tuần lễ Vượt Qua. Những người Do thái mừng lễ Vượt Qua diễn ra vào chính ngày Thiên Chúa giải phóng dân khỏi cảnh nô lệ Ai Cập. Chính Môsê được Thiên Chúa ủy thác để hướng dẫn dân Do Thái thoát khỏi vua Pharao tiến về vùng Đất Hứa. Như thế, lễ Vượt Qua được coi là một lễ giải phóng dân tộc; ngày khai sinh  lập quốc của đất nước Israel. Từ đó cho thấy, sức mạnh và hành động của Thiên Chúa không dựa trên quyền lực, nhưng dựa vào niềm tin. Dân Israel là nền tảng khởi đầu của đức tin cho một dân tộc tìm thấy được chiến thắng, khi họ biết tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa. Chính vì thế, hàng năm người Do Thái luôn thực hiện lệnh truyền “Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa” (x. Xh 12,14).

Người Do thái vào thời Chúa Giêsu, hàng năm họ về Giêrusalem để mừng Lễ Vượt Qua để ghi nhớ việc Thiên thần "vượt qua" nhà người Do thái, không giết con họ. Đây chính là hình báo trước của Bữa Tiệc Thánh Thể; Chúa Kitô chính là Con Chiên Tinh tuyền, không tỳ tích, Con Chiên vô tội, đã gánh tội trần gian. Bí tích Thánh Thể là sự biểu hiện dấu chứng tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với con người. Đó là tặng phẩm tình yêu biết tìm kiếm, đã được các Tư tế thi hành sự trung gian giữa Thiên Chúa và dân Người, qua hai hình thức:  phục vụ việc phượng tự và phục vụ Lời Chúa.  Trong việc thờ phượng, tư tế là người bảo vệ hòm bia giao ước, tiếp đón tín hữu và chủ tọa các nghi lễ phụng vụ qua việc dâng lễ hy tế: qua bánh và rượu của Thượng tế Menkisêđê mang tế trời (x. St 14,18), bánh lễ đầu mùa (x. Lv 23,17). Trong hoạt động này, ngài biểu lộ trọn vẹn vai trò trung gian: tiến dâng Thiên Chúa lễ vật của tín hữu và chuyển lại cho họ phúc lành của Thiên Chúa.  Rồi đến cuộc lữ hành của dân Do Thái trong hoang địa, Thiên Chúa đã ban Manna làm lương thực nuôi sống họ. Bánh trở thành dấu chỉ hồng ân Thiên Chúa ban cho con người, bánh nuôi sống Elia đủ sức đi 40 ngày về núi Horeb (x. 3V 19,5-8). Do đó có thể nói Hy tế và Manna là dấu chỉ tiên báo về Bí Tích Thánh Thể.

Trong Thông Điệp Ecclesia De Euc-haristia ban hành ngày 17/4/2003, ở số 1, ĐGH để giới thiệu về Bí Tích Thánh Thể " là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo". Bí tích Thánh Thể "tích chứa tất cả của cải thiêng liêng của Giáo Hội: Đó là chính Đức Kitô" (Sắc lệnh đời sống linh mục, số 5). Vì nhờ Bí Tích Thánh Thể mà lời hứa khi xưa của Chúa Giêsu được thực hiện: "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (x. Mt 28,20).

2. Trao quyền: Chức Linh Mục thừa tác

Trong kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa, Lễ Vượt Qua của Cựu Ước là hình ảnh tiên trưng cho Lễ Vượt Qua mới của Đức Kitô. Nếu nơi bài đọc thứ nhất trình bày Máu chiên bôi trên cửa của nhà người Do Thái có sức mạnh của dấu chỉ họ được cứu thoát; thịt chiên có sức mạnh thể xác để giúp họ vượt qua Biển Đỏ để vào Đất Hứa. Nơi bài đọc II, thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô cho biết chính Đức Kitô là con Chiên Vượt Qua. Khi biết giờ Ngài sắp sửa vượt qua cuộc đời này để về cùng Thiên Chúa, Ngài đã yêu thương con người và yêu thương họ đến cùng; Chúa Giêsu làm cho con người hai việc chính: Hiến mình làm Chiên Vượt Qua để cứu độ con người, giúp con người vượt qua mọi trở ngại của biển đời để vào đất Thiên Chúa hứa là thiên đàng. Đồng thời lập Bí tích Thánh Thể để tiếp tục ở lại với con người: Bữa Tiệc Ly chính là bữa tiệc Vượt Qua. "Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng" (Ga 13,1-2).

Vì yêu, Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể, và trao lại cho các tông đồ: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta… Các con hãy cầm lấy mà uống, chén này là Tân ước trong Máu Ta…” (x. 1Cr 11,23-26). Sau khi lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu cũng lập luôn bí tích Truyền Chức Thánh khi Người nói với các Tông Đồ hiện diện: “Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19 ;1 Cr 11, 24). Chúa trao và ủy thác cho các Tông đồ sứ mạng thay mặt Chúa hiện tại hóa Hy tế Thập giá trên bàn thờ mỗi ngày, để Chúa tiếp tục chăm sóc và ở với nhân loại mọi ngày cho đến tận thế. Và cũng chính hôm nay, với tư cách là người quản lý “các mầu nhiệmThiên Chúa”, linh mục luôn sẵn sàng phục vụ thay cho chức tư tế cộng đồng của toàn thể tín hữu.

3. Sai đi:  Yêu thương và Phục vụ

Một người khi biết mình sắp qua đời thường để lại di chúc. Di chúc nói lên ước nguyện, lời nhắn nhủ hay lệnh truyền. Chúa biết tất cả mọi sự sẽ xảy ra cho Ngài: Ngài biết giờ của Ngài sắp về với Thiên Chúa, biết giờ phải từ biệt các môn đệ, và biết trước giờ cứu độ cho con người sắp xảy ra (x. Ga 13,1-3). Chính vì biết “Giờ” của người sắp xảy ra, cho nên ngài bày tỏ yêu thương các môn đệ qua hành động rửa chân cho các ông đang nửa chừng bữa ăn, Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ đột ngột, khiến các môn đệ xửng sốt. Điều mà các môn đệ chưa từng nghĩ tới, chưa từng một lần thoáng trong mơ: “Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” Ga 13,4-5). Cử chỉ rửa chân cho các môn đệ là hành động của một người tôi tớ khiêm nhường, sẵn sàng cúi xuống, đồng thời Chúa cho các môn đệ thấy một hành động tương phản giữa sự cao cả của Ngài và sự yếu hèn tầm thường của các môn đệ. Hành vi rửa chân của Chúa Giêsu lại gợi lên hình ảnh Ngài sẽ hư vô hóa đời Ngài trên thập giá, chấp nhận sự tự hủy để trở nên nghèo khó nhưng cho người khác được giàu có.

Trong khi đó, Phêrô không chấp nhận hành vi Thầy rửa chân cho mình. Ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”(Ga 13, 6). Theo cách suy nghĩ của Phêrô, ông không thể chấp nhận được khi trong ông là con người tội lỗi, còn Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa. “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy” (Ga 13,8). Ðức Giêsu đã nhấn mạnh đến nhu cầu phải nên thanh sạch để có thể dự phần vào bàn tiệc Thánh Thể. Từ đó Phêrô ý thức được hơn sự cao cả của Thầy và sự tầm thường của chính mình. Thiết nghĩ, đây là ý nghĩa Vượt Qua, mở đầu cho việc lãnh chức Linh Mục, và đón nhận Mình Máu Thánh Chúa của người kitô hữu hôm nay.

Với Thánh lễ Tiệc Ly hôm nay, tôi thiết nghĩ cuộc đời của người kitô hữu là một chuỗi hành trình thánh lễ kéo dài. Thánh lễ không thể dừng lại hoặc kết thúc ở nhà thờ, mà còn phải tiếp tục lưu giữ trong cuộc sống. Nếu tôi không thực hiện nghĩa cử yêu mến, phục vụ anh em trong khiêm nhường ở đời thường, thì thánh lễ trong nhà thờ trở nên vô nghĩa.

Hành trình đức tin của người kitô hữu hôm nay cũng được gõ nhịp theo lộ trình: Chuẩn bị, trao quyền và sai đi. Chuẩn bị để lãnh nhận các bí tích; trao quyền khi nhận các Bí Tích và Sai đi để làm chứng tá tin mừng qua ba chức vụ: Tư Tế, Tiên Tri và Vương Đế. 
 
Tác giả bài viết: Bạch Sơn Quỳnh
Nguồn tin: Gx.Tuy Hòa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập58
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm56
  • Hôm nay14,359
  • Tháng hiện tại242,395
  • Tổng lượt truy cập13,526,769
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây