THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Thứ sáu - 15/11/2013 08:03

Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Từ mà chúng ta gọi là tử đạo thì các ngôn ngữ âu tây gọi là chứng nhân. Tử Đạo có nghĩa là làm chứng cho Chúa
KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
(2Mcb 6,18.21.24-31; 2Cr 4,7-15; Ga 15,18-21)




 

 
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Từ mà chúng ta gọi là tử đạo thì các ngôn ngữ âu tây gọi là chứng nhân. Tử Đạo có nghĩa là làm chứng cho Chúa, các Thánh Tử Đạo là cha ông của chúng ta đã làm chứng cho Chúa, làm chứng một cách anh hùng làm chứng cho đến chết. Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu về cuộc đời của các vị, để xin Chúa soi dọi ánh sáng Lời của Chúa và gương sáng cuộc đời của các vị, để chúng ta có thể bước đi trên cuộc hành trình lữ thứ này.

Trước hết, Các Thánh Tử Đạo đã làm chứng cho Chúa đó là việc các Ngài chu toàn bổn phận của mình. Các Thánh Tử Đạo có những người là Giám Mục, có những người là Linh Mục  và đa số là Anh Chị Em Giáo Dân.

Vì là Giám Mục yêu mến và gắn bó với giáo phận của mình, hết lòng chăm sóc cho đoàn chiên, cho nên đã bị bắt và lãnh phúc tử đạo.
Vì là Linh Mục yêu thương cộng đoàn mình được trao phó, chăm sóc công việc mục vụ, và rồi cuối cùng phần thưởng của các vị là cái chết.
Là những giáo dân trong vai trò làm chồng, làm cha, làm vợ, làm mẹ và làm con cái, tất cả đã chu toàn trách nhiệm của mình giữa đời thường, để rồi cùng lãnh chung một phần thưởng đó là phúc Tử Đạo.

Chúng ta không được diễm phúc như các thánh đổ máu đào để làm chứng cho đức tin, nhưng chúng ta giống các ngài, bởi vì Thiên Chúa đã trao cho chúng ta những trách nhiệm, trách nhiệm của chúng ta có khác nhau, ơn gọi của chúng ta có khác nhau, bậc sống của chúng ta có khác nhau, nhưng tất cả điều được mời gọi chu toàn với lòng yêu mến, và như thế chúng ta đang tham dự vào cuộc tử đạo mỗi ngày. Mỗi khi không chu toàn nhiệm vụ của mình là chúng ta đang lơ là nghĩa vụ nên thánh.

Điều thứ hai, ta có thể bắt gặp trong cuộc đời của các vị Tử Đạo, các ngài làm chứng cho Chúa bằng đời sống yêu thương và tha thứ. Ta có thể bắt gặp những tấm gương anh hùng của bao nhiêu chiến sĩ trận phong khi nằm xuống miệng vẫn còn la lớn, tiêu diệt nó.

Thế nhưng ta không tìm thấy những lời nói như thế, ta không tìm thấy một sự oán thù trong cuộc đời của các vị tử đạo. Các ngài chấp nhận cái chết và hy sinh mạng sống cho Thiên Chúa, các ngài tha thứ cho những lý hình hành hạ, các ngài đã viết lại trang tin mừng sống động, đã rập khuôn hình ảnh của Thầy Chí Thánh.

Nét độc đáo nhất của Chúa Giêsu ở chỗ khi Ngài nói rằng: “các con hãy yêu thương kẻ thù của mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình (x. Lc 5, 44), hãy tha thứ cho kẻ bắt bớ mình, hãy chúc phúc cho những kẻ làm khổ mình” (x. Lc 6,27, 28). Và khi Chúa Giêsu rao giảng như vậy thì người ta sẽ nói rằng, ông này toàn là nói chuyện trên trời không biết gì ở dưới đất hết, chuyện không bao giờ có được. Tôi tưởng tượng lúc Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thập giá, chắc là những người nghe Chúa giảng họ to nhỏ với nhau, này bây giờ coi thử ông Giêsu có tha thứ không? Có cầu nguyện cho kẻ thù không? Chính giây phút đấy, giây phút mà người ta đợi chờ những lời nguyền rủa của Chúa Giêsu, thì cuối cùng từ môi miệng của Đấng chịu đóng đinh vẫn chỉ là một lời cầu nguyện “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.” (x. Lc 23,43)

Mục sư cũng là nhà giảng thuyết nổi tiếng của Mỹ Martin Luther King nói rằng: Đó là giây phút đẹp nhất đời Chúa Giêsu, bởi vì giây phút nó làm cho không tưởng trở thành hiện thực, giây phút nó làm cho lý thuyết trở thành sự sống. Noi gương Chúa Giêsu các ngài tha thứ đến tận cùng, tha thứ những gì là nhục mạ, tha thứ những gì là bất công, đó là nét đẹp của các thánh Tử Đạo Việt Nam.

Và điểm thứ ba, ta bắt gặp nơi đời sống của các vị tử đạo đó là một đức tin kiêu hùng. Đức tin không chịu khuất phục trước bất cứ một đe dọa hay bất cứ một sự tra tấn nào. Các ngài đã diễn tả đức tin kiêu hùng ấy cho đến hơi thể cuối cùng dẫu cho máu chảy đầu rơi, dẫu cho tan xương nát thịt thì không gì đè bẹt được đức tin sống động và lòng yêu mến nồng nàn của các ngài.

Bao nhiêu hình phạt khủng khiếp nhất người ta có thể nghĩ ra hòng dập tắt niềm tin của những con người tưởng là mỏng dòn và yếu đuối. Có những người phải lãnh án bá đao (thân xác này bị chẻ ra làm trăm mảnh), có người bị xử giảo (thắt cổ), có người lãnh án xử trảm (chặt đầu), có người lãnh án lăng trì (cắt thẻo từng miếng thịt lóc đến hết thịt mới thôi), và còn nhiều hình thức khác nữa. Thế nhưng các ngài đã vượt qua tất cả vì lòng yêu mến Chúa Kitô.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Tại sao các Thánh Tử Đạo phải khốn khổ như thế? Tại sao các Thánh Tử Đạo phải chịu cực hình như thế? Tại sao các Thánh Tử Đạo phải trải qua một cuộc gian truân như thế thưa cộng đoàn? Để rồi lời Chúa trong Tin mừng của Thánh Gioan hôm nay cho chúng ta câu trả lời “bởi vì các ngài mang trong mình Lời của Thiên Chúa”. Chính vì lãnh nhận xứ mạng loan báo Lời, xứ mạng cưu mang Lời, xứ mạng làm chứng cho Lời, cho nên các ngài đã bị thế gian thù ghét.

Chúng ta cũng thế thôi thưa cộng đoàn, cũng sẽ bị thế gian thù ghét, cũng sẽ bị thế gian chối bỏ, và có khi sẽ bị thế gian bách hại. Điều đó không phải xảy ra cách đây mấy trăm năm, nhưng vẫn đang từng ngày từng giờ xảy ra trên thế giới và xảy ra ngay trên mảnh đất hình chữ S thân yêu này. Trải dài 3 thế kỷ, từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, từ thời chúa Trịnh, chúa Nguyễn, sang đến thời Minh Mạng, Tự Đức, Thiệu Trị và cuối cùng là Văn Thân, đất nước của chúng ta đã có hơn 130.000 vị anh hùng Tử Đạo. Trong số 130.000 người ấy, đã có 117 vị được tôn phong hiển thánh, và một vị được tôn phong chân phước đó là chân phước Anrê Phú Yên.

Mừng kính các thánh tử đạo là những bậc anh hùng là những bậc tiền bối của chúng ta, chúng ta tự hào vì mình là công dân đất việt, chúng ta tự hào vì mình là con cháu của các vị tử đạo, niềm tự hào không chưa đủ, chúng ta cần phải họa lại tinh thần đức tin của các vị trong đời sống của chúng ta. Đời sống hôm nay cũng đòi hỏi chúng ta phải có một đức tin anh hùng, phải có một đức tin anh hùng lắm ta mới có thể chu toàn những nghĩa vụ của đời thường mà không bị những điều xấu của trần gian lôi kéo. Phải có một đức tin anh hùng lắm ta mới có thể nói lời tha thứ cho bao nhiêu điều bất bình đang xảy ra xung quanh chúng ta. Phải có một đức tin anh hùng lắm ta mới có thể kiên trung làm chứng cho Chúa giữa bao thử thách của cuộc đời, sức riêng của chúng ta không làm nổi thưa cộng đoàn, nhưng nhờ ơn Chúa giúp như các thánh Tử Đạo Việt Nam chúng ta có thể.

Xin Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, giúp chúng ta biết tuyên xưng và giữ vững niềm tin trước mọi biến cố trong cuộc sống, và mạnh dạn làm chứng nhân cho một Thiên Chúa Tình Yêu. Amen.
 
 
Tác giả bài viết: Lm. Matthia Võ Nhân Thọ 
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập108
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm101
  • Hôm nay25,264
  • Tháng hiện tại268,567
  • Tổng lượt truy cập13,552,941
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây