THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Một số tiêu chí cần quan tâm khi xây dựng nhà thờ

Chủ nhật - 17/09/2017 22:12
Mọi nhà thờ đều cần phải có một không gian phụng vụ thích hợp và thiêng thánh vì nhà thờ là nhà cầu nguyện, là nơi để cử hành Hy lễ Tạ ơn và lưu giữ Mình Thánh Chúa (NTCH ch. 2, no. 3; DX 37).
Một số tiêu chí cần quan tâm khi xây dựng nhà thờ

Theo tinh thần của Giáo luật số 1214: “Danh từ nhà thờ được hiểu là một tòa nhà thánh dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa, và mọi tín hữu có quyền đến đó để làm việc thờ phượng Chúa, nhất là phụng tự công”. Hơn hết, nhà thờ là nơi trao đổi giữa Thiên Chúa và Giáo hội trần thế. Nhà thờ mang một ý nghĩa huyền nhiệm và là biểu tượng của Thiên Chúa hiện diện giữa loài người, là hình ảnh của dân được cứu độ, là sự nhắc nhở của một lịch sử cứu độ, là sự tiên báo của một Giêrusalem thiên quốc, tắt một lời, là bí tích của tạo vật mới trong Chúa Kitô Phục sinh. Nhà thờ là một nơi thánh theo nghĩa: Thiên Chúa là Đấng Thánh dùng các bí tích để thánh hóa con người tại đó, để đến lượt họ, họ sẽ thánh hóa thế giới.

a

Điều này dẫn tới tiêu chuẩn của một không gian phụng vụ thích hợp là: “…mang lại sự hiệp nhất thân tình và hài hòa, nhờ đó sự hiệp nhất của toàn thể dân thánh được tỏa sáng. Chất liệu và vẻ mỹ quan của nơi thánh và toàn thể vật dụng tạo thuận lợi cho lòng đạo đức và bày tỏ sự thánh thiện của các mầu nhiệm được cử hành” (QCSL 294; XD 50). Vì vậy, có những nơi, những yếu tố trong nhà thờ phải chiếm một vị thế ưu tiên hơn. Chẳng hạn như cung thánh với bàn thờ, giảng đài, ghế chủ tọa; chỗ cho ca đoàn; phòng rửa tội với giếng rửa tội; nơi lưu giữ Thánh Thể (nhà tạm) phải được thiết kế và trang trí thế nào nhằm lôi kéo cộng đoàn chú ý hơn (NTCH, ch. 2, no. 3; XD 49). 

Nhà thờ cũng không phải chỉ là một nơi cần thiết, thực dụng và thích hợp để cử hành các nghi lễ. Nhà thờ còn có chức năng củng cố tinh thần huynh đệ, thân mật và tôn trọng lẫn nhau, xây dựng sự hiệp nhất, tinh thần thán phục và hồi tâm, tinh thần vui tươi và tự do (DX 31). Mỗi người phải tự cảm thấy ở trong đó bản thân của mình rõ ràng hơn, đồng thời cũng thấy gần gũi anh chị em của mình hơn. Vì vậy, không gian thánh đường phải làm cho toàn thể cộng đoàn phụng tự thực sự trở thành một nhiệm thể, một cộng đồng phụng vụ duy nhất (XD 52) cũng như phải giúp các tín hữu tham dự vào phụng vụ “một cách trọn vẹn, ý thức và linh động” (PV 14). 


Nhà thờ là nơi thánh, nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa nên vị trí để xây dựng nhà thờ nên chọn ở những khu vực yên tĩnh hay nếu không được, thì ít là phải bố trí xây dựng thế nào cho mặt tiền nhà thờ đừng hướng trực tiếp ra phía đường phố lưu thông đầy xe cộ, hoặc nên cho trồng chung quanh nhà thờ những lùm cây um tùm, rậm rạp và cây cảnh để tạo bóng mát xen lẫn với những thảm cỏ, những hồ nước, hòn non bộ theo nghệ thuật vườn hoa Á Đông để nhà thờ có được bầu khí yên lặng, mát mẻ, dễ chịu hầu lôi kéo những ai mệt mỏi, ưu phiền hay bị xao động bởi cuộc sống quá ồn ào phức tạp tìm đến đây nghỉ ngơi và cầu nguyện giúp tâm hồn họ gặp được bình an, thư thái và dễ dàng hướng tâm hồn họ lên những thực tại trời cao (DX 32; 216).Tất cả những điều vừa nêu dẫn tới việc thiết kế và xây dựng nhà thờ không nên giống như một nhà hát. Rất tiếc là nhiều thánh đường hiện nay được xây dựng theo phong cách đó. Thực sự, khán thính giả không có tương quan gì với nhau trong nhà hát. Họ chỉ chú ý tập trung vào màn hình hay sân khấu một cách thụ động và theo kiểu tiếp nhận. Nhà thờ không phải là nhà hát. Người tham dự phụng vụ không phải là khán thính giả và họ không cử hành phụng vụ cách đơn độc, chẳng liên hệ gì đến ai. Mục đích của nhà thờ là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hành động của Chúa Kitô diễn ra nơi cộng đoàn, tư tế, Lời và Thánh Thể cũng như “phải xứng hợp với việc chu toàn các hoạt động phụng vụ và giúp các tín hữu có thể tham dự một cách linh động” (PV 124) bằng cách hăng hái dự phần vào các câu tung hô, những lời đối đáp, những bài ca vịnh, tiền xướng, ca hát cũng như bằng các hành động, tư thế, cử điệu ... (PV 30)  Cũng may là ngày nay không còn có hàng rào cho rước lễ trong nhà thờ nữa bởi vì chúng như thể chia thánh đường thành hai phần tách biệt: một dành cho các tín hữu ở phía sau của hàng rào hiệp lễ, và một dành cho tư tế và các thừa tác viên tại bàn thờ.1

Nhà thờ là nơi thiêng thánh để con người gặp gỡ Thiên Chúa. Vì thế, trong bối cảnh con người hiện đại đã và đang bị xâm chiếm mạnh mẽ bởi chủ nghĩa thế tục khiến nhiều người có thể bị dẫn dụ tới chỗ dễ dàng loại bỏ Thiên Chúa bằng nhiều cách thức khác nhau cũng như “gặp khó khăn hơn rất nhiều để tĩnh tâm cầu nguyện và cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa” (Aimé-Georges Martimort),2 việc thiết kế, xây dựng và trang trí thánh đường cần “gợi lên sự ngạc nhiên về vẻ đẹp của nó nhưng cũng phải vượt qua nó để đến với Thiên Chúa vô hình” (DX 156), cần tạo ra một bầu khí thiêng thánh và nâng tâm hồn những người bước vào nhà thờ lên cao bằng những biện pháp kiến trúc như ánh sáng, màu sắc hay không gian, và đặc biệt là bằng chính những cái rất riêng của Công giáo được kế thừa qua dòng thời gian nhằm hoàn thành vai trò phản ánh vương quốc nước trời của thánh đường (PV 123).

a

Ở đây, chắc chắn không thể không nhắc tới quan điểm của nhà thần học đại kết Max Thurian được đăng trong L’ Osservatore Romano (21.7.1996) khi bàn đến các yếu tố của môi trường phụng vụ: “… toàn bộ nhà thờ nên được sắp xếp thế nào để mời gọi được người ta đến tôn thờ và chiêm ngắm Thiên Chúa ngay cả khi không có cử hành phụng vụ…Nhà thờ phải là nơi mà trong một thế giới không yên nghỉ này người ta có thể gặp gỡ được Thiên Chúa trong an bình”.

Còn theo lời của nhà thần học Paul Tillich: “Những nơi được cung hiến phải là nơi mà người ta cảm thấy có thể chiêm ngắm được sự thánh thiện ngay giữa cuộc sống trần thế của họ”.3

Muốn vậy, người có trách nhiệm xây dựng nhà thờ, các kiến trúc sư và nghệ sĩ cần:

1] Chú trọng đến chiều kích thánh thiêng và làm cho kiến trúc thánh đường cũng như trang hoàng trong nhà thờ toát lên vẻ thần thiêng. Thánh thiêng, “đó là những gì không còn nhắm đến tự nhiên nữa nhưng chỉ được cống hiến và quy chiếu trực tiếp cho mục tiêu siêu nhiên mà thôi” (nhà thần học M D Chenu);

2] Chú ý đến những nét thẩm mỹ của thánh đường là: Chiều vươn cao - Tính bền vững - Sử dụng ảnh tượng và biểu tượng.

a

a) Chiều vươn cao: Nhà thờ phải khác biệt với các tòa nhà dân sự, thương mại, văn phòng… bởi độ cao khác thường của nó. Nghĩa là, phải xây dựng thế nào để cấu trúc theo chiều cao thống trị chiều rộng của nhà thờ. Chiều cao hơn lên một cách bất thường này trong không gian nhà thờ sẽ tác động vào tâm trí người ta và bày tỏ sự siêu việt của thần thánh nhằm hướng tâm hồn con người vươn tới trời cao - đồng thời mang Giêrusalem thiên quốc xuống cho con người thông qua trung gian là tòa nhà thờ. Tuy nhiên, theo DX 29, trích lại ý kiến của linh mục Trần Thái Hiệp:4

“Không cần những mặt tiền quá lộng lẫy, nguy nga, những tháp chuông cao vút, những vật liệu quý hiếm, đắt tiền. Thật là lạc lõng với thời đại nếu chúng ta muốn tranh đua xây dựng những nhà thờ đồ sộ nguy nga như thời Trung cổ”.

b) Tính bền vững: Vì nhà thờ diễn tả sự hiện diện của Chúa Kitô tại một nơi đặc biệt, cho nên phải có cấu trúc bền vững, được xây dựng trên “nền tảng vững bền”. Điều này chống lại các nhà kiến trúc có ý tưởng thiết kế và xây dựng nhà thờ với hy vọng rằng sẽ san bằng trong một tương lai không xa để nhường chỗ cho tòa nhà thờ mới hơn và thời trang hơn. Hậu nhiên là trong thực hành, cần chọn những vật liệu đủ tốt và chắc chắn để nhà thờ có thể bền vững qua dòng thời gian, mang tính liên tục với lịch sử cũng như với truyền thống kiến trúc nhà thờ Công giáo.5

c) Ảnh tượng thánh: Nhà thờ phải là dấu chỉ đối với cả tín hữu lẫn một cộng đồng lớn hơn như: hàng xóm láng giềng, dân chúng tại thành thị hay miền quê sống chung quanh thánh đường… Nhà thờ không phải chỉ là một không gian chức năng cho cộng đoàn phụng tự mà còn là nơi để giảng dạy đức tin, hướng dẫn giáo lý và loan báo Tin Mừng, cho nên nhà thờ phải biểu tỏ Đức Kitô và Giáo hội của Ngài hiện diện và hoạt động ở đây - nơi tụ họp và gặp gỡ - qua cả những tác phẩm nghệ thuật. Nghệ thuật tại nhà thờ sẽ kể bằng hình ảnh cho người ta biết những câu chuyện trong Kinh Thánh, những biến cố trong cuộc đời Chúa Kitô, Đức Mẹ và các thánh…

a

3] Chú trọng tới chức năng phụng vụ

Chú trọng tới chức năng phụng vụ nghĩa là làm sao cho việc cử hành nghi lễ được thuận lợi tối đa, giáo dân có thể tham dự cách tích cực và linh động (PV 14). Bởi vì, nhà thờ được quan niệm như là nhà của cộng đồng Dân Chúa, nhà Hội Thánh hơn là cung điện của Thiên Chúa uy nghiêm thiêng thánh đáng kính đáng sợ (DX 30). Chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI ngỏ lời với các tham dự viên trong Hội nghị Quốc gia Các Ủy ban Phụng vụ Giáo phận tại Italia (04.1.1967) như sau: “Tiêu chuẩn hàng đầu là nghệ thuật thánh phải thiết thực, tức là diễn tả thích hợp những gì phụng vụ muốn nói, diễn tả việc thờ lạy Thiên Chúa và ngôn ngữ của cộng đoàn khi cầu nguyện”.

4] Tuân theo 3 nguyên tắc hướng dẫn sau:

a) Nghệ thuật và kiến trúc liên kết với chính bản chất kế hoạch của Thiên Chúa

Thánh Kinh cho biết Thiên Chúa chính là nhà kiến trúc thần linh. Sau khi tạo dựng loài người, Ngài cũng ban cho con người một nơi thánh để cư ngụ. Ở chốn này, tình trạng nội tại và vô tội nguyên thủy của con người được hiển tỏ ra bằng những sự vật chung quanh bên ngoài tại vườn Eden, nằm ở phía Đông mà thánh Tôma Aquinô cắt nghĩa là ở phía bên phải của thiên đàng. Khi con người sa ngã phạm tội, họ bị đuổi ra khỏi nơi xinh đẹp và thánh thiêng ấy. Tuy nhiên, con người vẫn được Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi trở về tình trạng thánh thiện nguyên thủy, cho nên các nghệ sĩ trong loài người, nhờ đức tin soi tỏ,  nhờ trực giác và tình cảm, họ vẫn không ngừng tạo ra những nơi thích hợp cho sự thánh thiêng, mà từ đây, con người có thể phụng thờ Thiên Chúa. Như vậy, một lần nữa, Thiên Chúa lại đặt con người vào nơi thiêng thánh.

 Sách GLCG số 2502 nói rằng: “Nghệ thuật thánh sẽ chân thật và đẹp đẽ, khi hình dạng thích ứng với chủ đích: đó là nhắc nhở chúng ta dùng đức tin và tâm tình thờ phượng để tôn vinh Thiên Chúa siêu việt, Ðấng Tuyệt Mỹ vô hình vì là chân lý và tình yêu, đã xuất hiện trong Ðức Kitô… Nghệ thuật thánh đích thực đưa con người đến tâm tình thờ phượng, cầu nguyện và yêu mến Thiên Chúa là Ðấng Sáng Tạo và Cứu Chuộc, Ðấng Thánh Thiện và Thánh Hóa con người”.

b) Công trình kiến trúc và nghệ thuật diễn ra trong và qua cuộc đối thoại với Giáo hội

Điều này có nghĩa là các nhà xây dựng và nghệ sĩ cần tìm hiểu và lắng nghe những chỉ dẫn của Giáo hội và các vị đại diện của Giáo hội. Đây là những lý do: i] Giáo hội thực sự hiểu rõ giá trị và bản chất của nghệ thuật thánh là diễn tả một cách nào đó vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa; ii] Giáo hội luôn luôn là bạn của mỹ thuật; iii] Giáo hội chăm lo việc huấn luyện các nghệ thuật gia; iv] Giáo hội còn là thẩm phán về mỹ thuật, đánh giá “tác phẩm nào thích hợp với đức tin, với lòng đạo đức, và với những luật lệ truyền thống trong đạo, cũng như xem xét những tác phẩm nào xứng đáng dùng vào việc thánh” (PV 122); Giáo hội trân trọng các kiểu nghệ thuật của các dân tộc qua mọi thời đại (PV 123). Chính các Đấng Bản quyền được Mẹ Hội Thánh mời gọi phát động và cổ võ nghệ thuật thánh đích thực “nhắm tới vẻ đẹp cao quý hơn là chỉ nghĩ tới vẻ xa hoa lộng lẫy”“loại trừ khỏi thánh đường cũng như những nơi thánh khác những tác phẩm nghệ thuật nào nghịch với đức tin và phong hóa, nghịch với lòng đạo đức Kitô giáo”,  thánh đường được xây cất xứng hợp với việc chu toàn các hoạt động phụng vụ và giúp các tín hữu có thể tham dự một cách linh động (PV 124).

Những nghệ thuật gia, phải luôn luôn nhớ rằng: họ làm một việc thánh; họ sáng tác những tác phẩm dùng vào việc thờ phượng trong tôn giáo; đồng thời họ cũng cảm hóa các tín hữu, cho những người này thêm lòng đạo đức và huấn luyện giáo lý cho họ nữa (PV 127).

Các nhà kiến trúc và nghệ sĩ nên dựa vào và không nên dửng dưng với truyền thống chắc chắn của Giáo hội. Họ cần thẩm lượng những họa tiết và mẫu mã của các tòa nhà trong Giáo hội nhằm gìn giữ và phục hồi kiến trúc dựa trên truyền thống đích thực của Giáo hội để phụng vụ được cử hành theo cách thế thích hợp.6

Về phần các vị đại diện Giáo hội: các ngài nên đưa ra các luật lệ về nghệ thuật thánh (PV 128).  Đức Giám mục phải lắng nghe ý kiến của Ủy ban Giáo phận Đặc trách Nghệ thuật thánh, và trường hợp nào cần thiết, nên nghe những người rất thành thạo khác (PV 126). Các Giám mục, hoặc phải tự mình hoặc phải nhờ các linh mục đủ khả năng, thông thạo và yêu thích nghệ thuật, lưu tâm đến các nghệ thuật gia sao cho họ thấm nhuần tinh thần nghệ thuật thánh và phụng vụ thánh. Ngoài ra cũng khuyến khích xây dựng những trường học hay những học viện về nghệ thuật thánh ở những miền xét ra là nên thiết lập để đào tạo các nghệ thuật gia (PV 127). “Những người có trách nhiệm sắp đặt các tác phẩm nghệ thuật dùng trong phụng vụ của các nghệ sĩ và điêu khắc gia, cần có một sự hiểu biết sâu xa về các tác phẩm mà nghệ thuật thánh đã làm ra trải dài trong lịch sử. Do đó rất cần thiết cho các chủng sinh và linh mục được học về lịch sử nghệ thuật thánh, đặc biệt liên quan đến việc xây cất nơi thờ phượng theo các tiêu chuẩn phụng vụ”.7

c)Hướng tới một vẻ đẹp chân thực và vĩnh cửu

Có nghĩa là thông qua các tác phẩm nghệ thuật, từ thánh đường cho đến cách trang hoàng trong nhà thờ và đồ thánh làm sao có thể gây cho người xem những kinh ngạc lành mạnh, lôi kéo họ ra khỏi chính mình, đưa họ ra khỏi những nhàm chán đơn điệu. Thậm chí, có thể làm cho họ phải đau đớn như một bị mũi tên đâm vào thân thể, nhưng nó lại “tái đánh thức” họ, khiến cho trí lòng họ mở ra với một cái nhìn mới mẻ, nó chắp cho họ đôi cánh và đưa họ lên cao. Để rồi, cuối cùng, nghệ thuật sẽ đưa người ta hướng lên Thiên Chúa Ba Ngôi được diễn tả bằng một câu nói bất hủ: “Ngài là vẻ đẹp vẫn cổ xưa nhưng vẫn luôn luôn mới mẻ”.   

II] Tiêu chí II: Có thể nhìn thấy và có thể nghe thấy

Đây là tiêu chuẩn bảo đảm cho sự tham dự của toàn thể cộng đồng.

Tiêu chuẩn “có thể nhìn thấy” muốn nói rằng cộng đoàn có thể thấy được các thừa tác viên tại bàn thờ, giảng đài, ghế chủ tọa và ngược lại, các thừa tác viên có thể thấy các thành viên của cộng đoàn tham dự và có thể tiếp xúc bằng mắt (eye contact) với họ (DX 92), ít là chúng ta có thể thấy được một số người trong cộng đoàn và nhìn được khuôn mặt của họ. Tác giả Robert W. Hovda viết rằng:

a

“Chúng ta cần đến sức sống và sự khuyến khích từ ánh mắt và những diễn cảm của người khác. Chúng ta cần thấy họ đang ca hát và đang cất tiếng nếu chúng ta thực sự cũng ca hát và nói năng. Đây là một loại bầu khí xã hội gợi lên sự tham dự của mọi người và duy trì sự tham dự đó”.8

Theo tiêu chuẩn này, chỗ ngồi không nên quá xa nơi diễn ra các hành vi phụng vụ đến độ vì khoảng cách này và vì mức độ ánh sáng ngăn cản sự tham dự tích cực của người tham dự vào hành động phụng vụ (XD 85). Tiêu chuẩn “có thể nhìn thấy” còn có nghĩa là các thành viên tham dự có thể nhìn thấy nhau. Việc sắp xếp chỗ ngồi trong nhà thờ phải giúp cộng đoàn tham dự tích cực vào cử hành phụng vụ, có đủ không gian cho những anh chị em khuyết tật đi xe lăn hay dùng xe bám vào để đi (DX 93).

“Có thể nghe thấy” không phải chỉ là nghe thấy những gì được nói. Nhờ các máy khuyếch đại âm thanh hiện đại, ngày nay, người ta có thể nghe được âm thanh từ rất xa. Dĩ nhiên, phải làm sao để người tham dự có thể nghe thấy những lời của thừa tác viên khi họ nói từ bàn thờ, từ giảng đài, từ ghế chủ tọa, hay từ giếng rửa tội, cũng như giúp dân chúng có thể nghe thấy âm nhạc và tiếng hát của ca đoàn từ nơi họ cất tiếng. Hiện nay, người ta đã biết sử dụng cả micro có dây hoặc không dây tùy trường hợp để tăng âm cho chủ tế và các thừa tác viên khác. Nhưng chúng nên được sắp đặt một cách kín đáo (QCSL 306) và “phải liệu làm sao cho tín hữu không những nhìn thấy vị tư tế, phó tế hay các người đọc sách, mà còn nghe rõ họ không khó khăn gì (QCSL 311) nhờ những phương tiện kỹ thuật hiện đại”. Tuy nhiên, tiêu chuẩn nghe thấy đúng nghĩa không chỉ là “nghe thấy” mà còn phải là giúp cho anh chị em tín hữu tham dự tích cực vào hành động phụng vụ (PV 14).

 III] Tiêu chí III: Thuận tiện cho tư thế và rước kiệu

Thánh đường phải giúp cho tín hữu có thể dễ dàng thực hiện những điệu bộ, tư thế của thân xác cần thiết trong các phần cử hành khác nhau và cũng dễ dàng cho họ lên rước lễ hay tham dự các cuộc rước khác (QCSL 311; DX 93). Không gian trong thánh đường cần thuận tiện cho các tín hữu ngồi dọn lòng, lắng nghe, và cầu nguyện thinh lặng; cho họ đứng để nghe Tin Mừng, cầu nguyện và ca hát; và cho họ quỳ để thờ lạy và thống hối. Vào một số dịp như lễ Dâng Chúa vào đền thờ và Chúa nhật lễ Lá, cộng đoàn có thể quy tụ tại một nơi khác và hình thành đoàn rước vào trong nhà thờ. Các lối đi trong nhà thờ phải giúp cho cộng đoàn và các thừa tác viên dễ dàng di chuyển vào nơi chỗ của họ.

a

IV] Tiêu chí IV: Tính chân thực

Ngày nay, sống trong một xã hội sử dụng quá nhiều đồ làm bằng nhựa nên người ta hay lơ là với tính chân thực của các đồ dùng trong thánh đường, kết quả là người ta lạm dụng việc dùng hoa giả, nến giả?. Bởi thế, QCSL nhắc rằng trong việc trang trí thánh đường, phải chú trọng tính cách đơn sơ trang nhã, là điều luôn đi đôi với mỹ thuật đích thực (QCSL 325), nên chuộng vẻ đơn sơ cao quý hơn là hào nhoáng. Khi chọn lựa các vật dụng để trang trí, nên dùng đồ thật và theo hướng góp phần giáo huấn các tín hữu và phù hợp với sự trang nghiệm của nơi thánh (QCSL 292). Các tác phẩm nghệ thuật phải có phẩm chất đích thực, giúp nuôi dưỡng đức tin và lòng đạo đức (QCSL 289). Phải hết sức cố gắng để trong cả những vật dụng ít quan trọng, các đòi hỏi về nghệ thuật được bảo đảm, luôn phối hợp sự đơn sơ trang nhã với nét thanh tú (QCSL 351). Sở dĩ phải sử dụng hoa thật, cây thật là vì muốn muốn cho mọi người ngày càng trân trọng hơn quà tặng sự sống mà Thiên Chúa ban tặng cho cộng đoàn (XD 129).

a

V] Tiêu chí V: Có một không gian quy tụ

Ngày xưa, trong thời kỳ đầu của Giáo hội, không gian quy tụ hay tiền đường nhà thờ  là “khu vực chờ” của dự tòng và hối nhân. Ngày nay, không gian quy tụ là khu vực vừa phục vụ như ngưỡng cửa giữa thế giới bên ngoài và không gian của cộng đoàn bên trong nhà thờ, vừa phục vụ như là lối vào và lối ra của nhà thờ; là nơi tập họp để chuẩn bị cho buổi cử hành phụng vụ; nhất là giúp cho các thành viên đi rước dễ dàng tụ họp ở đây để hình thành đoàn rước nhập lễ (DX 102).

Không gian quy tụ là nơi cử hành nghi thức tiếp nhận dự tòng, đón tiếp cha mẹ cùng những vị đỡ đầu, đón tiếp các trẻ sơ sinh đến lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, đón tiếp cô dâu chú rể cùng những người thân yêu của họ trong dịp lễ cưới, cử hành Nghi thức An táng tiễn biệt lần cuối người quá cố (DX 102).

Hơn nữa, từ không gian quy tụ này, phải thiết kế thế nào để người ta dễ dàng tìm thấy các phòng chức năng khác và thuận tiện để đi đến phòng áo, nhà kho, phòng tập hát cho ca đoàn, các phòng cho những người đón tiếp và hướng dẫn, phòng cho các bé la khóc, nhà vệ sinh ? và có thể cả một phòng nguyện khác hay một hội trường nữa (LNGM  54).

(hết)

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, dòng Thánh Thể (SSS)

_________________________________________

Chữ viết tắt:

DX = Dựng xây từ những Viên đá Sống động (2006).

GLCG = Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo (1992).

LNGM = Sách Lễ nghi Giám mục (1984).

NTCH =  Nghi thức Cung hiến Nhà thờ và Bàn thờ (1989).

PV = Hiến chế Phụng vụ Thánh

QCSL  = Quy chế Tổng quát Sách Lễ Roma (2002).

XD = Built on Living Stones (Washington, D.C, 2000).

 

__________________________

1 Nguyên thủy, mục đích của hàng rào hiệp lễ là để ngăn những tên côn đồ xông vào khu vực bàn thờ làm đứt quãng hành động phụng vụ. Khi dân chúng quỳ để rước lễ thì hàng rào này bỗng thuận tiện cho họ hiệp lễ.

2 A. G. Martimort, “Principles of the Liturgy” trong A. G. Martimort (ed.), The Church at Prayer: An Introduction to the Liturgy, Vol. I (Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press, 1987), 206.

3 Trích trong “Religious Art and Architecture. Honesty and Consecration” (American Institute of Architect’s Journal 45, March 1966) 44. 

4 Bài “Kiến trúc thánh đường ngày nay”, đăng trong Tuần báo Công giáo và Dân tộc, số 829 (20-10-1991), 15.

5 Cram, Ralph Adams, Church Building: A Study of the Principles of Architecture in Their Relation to the Church, 3rd ed. (Boston: Marshall Jones, 1924), 7.

6 Xc. Paolo Portoghesi, “Lo sforzo di rendere visible la fede” L’Osservatore Romano (October 19-20, 2009),5.

7 ĐGH Benedicto XVI, Sacramentum Caritatis, 41.5 ĐGH Benedict XVI, Address to Artists (November 21, 2009).

8 Robert W. Hovda, Strong, Loving and Wise (Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press, 1976), 48.

Nguồn tin: www.cgvdt.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập131
  • Máy chủ tìm kiếm19
  • Khách viếng thăm112
  • Hôm nay16,577
  • Tháng hiện tại221,918
  • Tổng lượt truy cập13,237,171
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây