THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Thứ Hai Tuần III Thường Niên Năm C

Chủ nhật - 27/01/2019 17:53
Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ kính thánh Tôma Aquinô, một vị thánh có rất nhiều công đối với Giáo Hội. Giáo Hội phải biết ơn Ngài vì Ngài đã để lại một kho tàng vô cùng quí giá làm nền tảng cho việc đào sâu về giáo lý về đức tin cũng như hướng dẫn về đời sống tu đức.
Thứ Hai Tuần III Thường Niên Năm C
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (Mc 3:22-30)

22 Còn các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.24 Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền;25 nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững.26 Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số.27 Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.28”Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha.29 Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời".30 Đó là vì họ đã nói”ông ấy bị thần ô uế ám”.
Thứ hai. Thánh Tôma Aquinô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

SUY NIỆM

          Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ kính thánh Tôma Aquinô, một vị thánh có rất nhiều công đối với Giáo Hội. Giáo Hội phải biết ơn Ngài vì Ngài đã để lại một kho tàng vô cùng quí giá làm nền tảng cho việc đào sâu về giáo lý về đức tin cũng như hướng dẫn về đời sống tu đức.

          Tôma sinh ra tại kinh thành Napôli năm 1225 trong một dinh thự thời danh Rocca Secca. Cha ngài là bá tước Landulf  làm lãnh chúa đảo Aquinô.  Mẹ Ngài là nữ bá tước Theodora của nhà Theate. Chính nhờ ảnh hưởng của gia đình mà Tôma đã hấp thụ được một nền đạo đức chắc chắn nhờ đó mà sau này Ngài đã dựng nên được một lâu đài tinh thần quí giá làm nền tảng cho đời sống trọn lành; một ý chí sắt đá giúp Ngài vững bước trên con đường theo ơn gọi làm môn đệ của Chúa và cuối cùng là một nền học vấn uyên thâm giúp Ngài giải đáp được các vấn nạn của thời đại theo ánh sáng Đức tin.

          Hồi  nhỏ, Tôma được cha mẹ gửi học ở tu viện Cassino của các cha dòng Bênêđictô. Nhưng 9 năm sau, vì một biến cố chính trị, tu viện bị giải tán, Tôma được gửi về gia đình và tiếp tục học đại học Naples. Nơi đây, Tôma có dịp tiếp xúc với các tu sĩ dòng Ða Minh và cậu bắt đầu say mê lý tưởng sống nghèo khó cũng như làm việc trí thức để truyền bá cho người khác những chân lý mà chính mình thụ đắc được nhờ suy niệm và cầu nguyện.

          Năm 1244, Tôma đã có một quyết định như một bước ngoặt của cuộc đời khi Ngài xin khoác bộ áo trắng của dòng Ða Minh. Việc Ngài quyết định như thế đã gây một chấn động mạnh mẽ đối với gia đình, vì mẹ của Ngài từ lâu vẫn ấp ủ một ước vọng thầm kín muốn cho con mình trở thành một người quyền thế ở Cassino. Chính vì thế mà Bà đã quyết định bắt Tôma về giam trong nhà và dùng mọi mưu kế để dụ dỗ, thậm chí trong một cơn mù quáng, bà đã nhờ tới một người con gái trắc nết quyến rũ Tôma để bắt con mình trở về thế gian.

          Thế nhưng tất cả đã thất bại trước sự chống trả quyết liệt của Tôma. Truyền thuyết kể lại trước sự cám dỗ đê hèn ấy, Tôma đã dùng một thanh củi đang cháy để đuổi người con gái phóng đãng mất nết đó ra khỏi phòng. Sau việc này, Chúa đã sai thiên thần xuống thắt dây trinh khiết biểu hiện huy chương chiến thắng cho Tôma. Thế là Tôma được giải phóng. Ngài vui sướng trở về tu viện và sau đó,  ngài được thụ huấn với thánh Albertô Cả, một học giả nổi danh thời ấy.

          Năm 27 tuổi, ngài trở thành giảng sư đại học. Với một kiến thức uyên bác hiếm có, Ngài có thể hướng dẫn giới trí thức thời bấy giờ thoát khỏi những sai lầm tai hại do nền triết lý ngoại giáo Hy Lạp lúc đó chi phối. Ngài đã để lại cho hậu thế một công trình tuyệt tác là bộ "Tổng Luận Thần Học" nổi tiếng để làm nền tảng cho sự tra cứu học hỏi về hầu hết những vấn đề có liên hệ đến đức tin. Ngài thú nhận mình đã kín múc tất cả sự thông thái ấy nơi Chúa qua suy niệm và cầu nguyện.

          Ngài qua đời năm 1274, khi tuổi đời còn trẻ: 49 tuổi. 

          Năm 1328, Ðức Giáo Hoàng Gioan XXII tôn phong ngài lên bậc Hiển Thánh. 

          Năm 1567, Ðức Piô V lại phong ngài làm Tiến Sĩ Hội Thánh với biệt hiệu "Tiến Sĩ Thiên Thần". 

          Trong Lời nguyện nhập lễ, chúng ta cầu xin Thiên Chúa giúp chúng ta hiểu những lời giảng dạy và noi gương sáng của thánh Tôma. Vì thế, về việc đào tạo hàng giáo sĩ, điều 252 của Giáo luật, ghi chú về vị thánh tiến sĩ này : “Cần có các lớp về thần học Tín Lý, luôn luôn dựa vào Lời Chúa chứa đựng trong Thánh Kinh cùng với thánh Truyền, nhờ vậy, với thánh Tôma làm tôn sư, các chủng sinh học biết tường tận mầu nhiệm cứu độ.”

          Sứ điệp của thánh Tôma Aquinô được tóm tắt trong đáp ca của kinh Magnificát ban chiều : “Sự khôn ngoan được ban cho những ai khao khát ; ai chiếm hữu được sự khôn ngoan, sẽ trở thành bạn của Thiên Chúa.” Thánh tiến sĩ Thiên thần, qua mẫu gương đời sống của ngài, cho chúng ta thấy phải khao khát sự khôn ngoan như thế nào để có thể đạt được nó : chiêm ngắm, cầu nguyện và học hỏi không ngừng, vì “Ánh sáng của Thần trí tràn đầy tình yêu” chỉ có thể được ban cho những ai luôn sống trong khổ hạnh.

          Với trang Tin Mừng hôm nay, ta thấy vào thời Chúa Giêsu, Satan vốn được coi là thế lực bất khả xâm phạm, con người phải lệ thuộc vào sự may rủi của Satan. Satan chiếu cố đến ai thì người ấy phải chịu, phải chấp nhận. Nên khi Chúa Giêsu xuất hiện, Ngài là hiện thân của quyền lực Thiên Chúa, chữa lành người bị quỷ ám, điều này đã làm cho những người Kinh Sư ghen tức và vu khống rằng: “Người dựa thế lực của quỷ vương mà trừ quỷ”.

          Nhân cơ hội này Chúa Giêsu đã dựa vào lý luận của họ để quật lại họ, Ngài nói: “Satan làm sao trừ được Satan? Nước nào tự chia rẽ nước ấy sẽ không thể bền”. Và đồng thời khẳng định cho họ biết quyền lực của Thiên Chúa tự nơi Ngài: “Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người ấy lại trước đã, rồi mới cướp sạnh nhà nó”. Trong Tin mừng Luca còn cho chúng ta thấy rõ: “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông”.

           Khi xếp Chúa Giêsu vào phe với Satan, họ ngầm ý chối bỏ vai trò Messia nơi Ngài, ngầm ý bảo rằng cần phải xa lánh và loại trừ Ngài. Họ không đón nhận Ngài bởi vì sự xuất hiện của Ngài khiến quyền thế của họ bị đe dọa. Như vậy có thể nói, các kinh sư, quỷ vương và Chúa Giêsu đại diện cho ba cấp quyền lực, ba sức mạnh mà những thường dân yếu đuối hèn mọn cần sáng suốt lựa chọn để tìm nơi đỡ tựa cho đời mình.

          Đã từ lâu ma quỷ thống lĩnh thế gian này và nó chưa bao giờ ngừng tay trong nỗ lực dùng những mưu mô và ý đồ đen tối nhằm cầm giữ con người trong sự xấu xa, dối trá, lỗi tội. Nơi trình thuật Tin Mừng hôm nay, các kinh sư đã ngoan cố không theo sự thật, không nhìn nhận vai trò thiên sai của Chúa Giêsu, thậm chí còn mặc cho Ngài chiếc áo xấu xa của ma quỷ. Thành ra có thể nói, chính các kinh sư mới đang mang bộ mặt của ma quỷ, mới đang bị quỷ ám, mới đang dựa vào thế quỷ để chống lại Chúa Giêsu.

          Chúa Giêsu được sai đến trần gian để thiết lập Vương quốc của Nước Trời bằng cách đem Ánh Sáng xua tan tối tăm, đem Sự Sống diệt tiêu cái chết, đem Niềm Vui đẩy lui đau khổ, đem Linh Thánh thay cho lỗi tội, ... Ngài thi hành sứ mạng bằng biển xót thương, bằng đường sự thật và bằng quyền năng tuyệt đối. Trước mặt Ngài, Xatan phải đành thua, dù có vẫy vùng mọi cách để phá rối kế hoạch cứu độ nhân loại của Thiên Chúa.

          Thông điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, hãy để quyền lực Thiên Chúa thi thố trên cuộc đời mỗi người, hãy sống đẹp lòng Thiên Chúa, để Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta vượt qua những chặng đường gian nan nguy hiểm. Hãy Tin vào quyền lực của Chúa Giêsu, Ngài vượt trên tất cả, thống trị tất cả những quyền lực của sự dữ, của ma quỷ và Satan, bước đi dưới sự che chở của Ngài là sự bình an cho cuộc sống và tâm hồn.

Huệ Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập111
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm110
  • Hôm nay12,335
  • Tháng hiện tại200,652
  • Tổng lượt truy cập13,485,026
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây