THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Suy niệm Lễ Mình Máu Chúa Kitô

Thứ bảy - 05/06/2021 09:40
Nhiệm vụ chúng ta là giữ Bánh và Rượu trong tay, nơi bàn tiệc Thánh Thể để chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa. Bởi vì chính Bánh và Rượu đó sẽ trở thành Mình và Máu Chúa Giêsu. Đó chính là của lễ Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha. Một của lễ nói lên một tình yêu sâu thẳm. Một của lễ nói lên sự hy sinh cao cả để cứu chuộc và nuôi sống chúng ta. Điều chúng ta phải làm là hòa quyện con người của chúng ta. Hòa quyện đời sống của chúng ta vào Bánh và Rượu dâng trên bàn thờ, để trở thành của lể dâng lên Thiên Chúa Cha.
Suy niệm Lễ Mình Máu Chúa Kitô
LỄ MÌNH MÁU CHÚA KITÔ
(Mc 12.16.22-25)

Ý NGHĨA CỦA BÁNH VÀ RƯỢU TRONG BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Một bài báo đã đăng tin ngay trên trang nhất về vụ cháy rừng vừa mới xảy ra. Một câu chuyện đã gây nhiều xúc động cho người đọc: sau khi ngọn lửa đã được dập tắt, những người kiểm lâm rất vất vả và khi đã đi vào rừng để ước lượng mức độ thiệt hại của vụ cháy rừng. 

Một người kiểm lâm trẻ tuổi nhất bất chợt phát hiện một con chim đã chết vẫn đứng im lìm như bức tượng gỗ trên một cành cây cao đang cháy dở trước mặt anh. Một chút sợ hãi chen lẫn chút tò mò, anh lấy một cành cây nhỏ, chọc vào xác con chim đã chết. Lúc anh đang chọc nhẹ vào con chim đã chết cháy như vậy, bất thình lình, anh hốt hoảng khi thấy một chú chim con nhỏ bé từ dưới cánh con chim chết cháy bay vụt ra… những người đi trong đoàn kiểm lâm ai nấy đều sửng sốt. Người kiểm lâm cao tuổi nhất trong nhóm, có mái tóc bạc phơ nói rằng, suốt mấy chục năm làm nghề gác rừng, ông chưa từng thấy có chuyện lạ như vậy. Hóa ra, trong lúc ngọn lửa ma quái thiêu đốt cánh rừng, vì yêu con, chim mẹ đã dang rộng đôi cánh để che chở cho con mình. Lúc đám cháy chưa lan tới, chim mẹ đã có thể bay đi thật nhanh để tìm một nơi an toàn cho riêng mình, nhưng chim mẹ đã không bay đi, vì biết con mình còn rất yếu ớt, bé bỏng, không thể bay kịp theo mình. Chim mẹ không muốn bỏ mặc con mình ở lại với mối nguy hiểm đang chờ đợi nó. Khi ngọn lửa hung hãn đã bùng lên dữ dội và khi sức nóng của ngọn lửa sắp thiêu cháy mình, chim mẹ vẫn không hề nao núng, dao động. Chim mẹ sẵn sàng đón nhận cái chết để lấy đôi cánh chở che cho con mình được sống. Có lẽ chim mẹ biết chắc một điều rằng, với tình yêu và đôi cánh chở che của mình, con mình sẽ sống. Ôi! Tình yêu có một sức mạnh lớn lao và kỳ diệu, nên một vĩ nhân nào đó đã nói: “tình yêu mạnh hơn sự chết”.

Kính thưa anh chị em, 

Sự hy sinh quả cảm của chim mẹ khiến chúng ta liên tưởng đến tình yêu của Chúa Giêsu đối với chúng ta trong ngày lễ Mình Máu Chúa Kitô. “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, nghĩa là các con hãy cử hành bí tích Thánh Thể để nhớ đến tình yêu của Chúa Giêsu.

Chúng ta đã đáp trả như thế nào?

- Chúng ta đã sống mầu nhiệm Thánh Thể ra sao?

- Chúng ta đã đưa mầu nhiệm Thánh Thể và cuộc sống như thế nào?

- Và chúng ta đã đón nhận mầu nhiệm Thánh Thể mỗi khi chúng ta Rước Lễ?

Ngay trong mỗi Thánh Lễ, trước khi dự Tiệc Thánh, chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn thật sốt sáng để dâng của lễ Bánh và Rượu. Chúng ta hòa quyện đời sống của chúng ta vào Bánh và Rượu dâng trên bàn thờ. Bánh và Rượu mang rất nhiều ý nghĩa, cả trong cuộc sống lẫn trong bí tích Thánh Thể. Khó có gì diễn tả về cuộc sống một cách tuyệt vời cho bằng hương vị chiếc bánh mới. Mùi thơm từ chiếc bánh mới chính là hương vị cuộc sống. 

Nhưng bánh được làm từ đâu? Từ lúa mì, từ những hạt riêng lẻ. Những hạt lúa mì phải bị nghiền nát để trở thành bột mì, sau đó phải chịu đựng sức nóng của lửa để trở thành hương vị cuộc sống chúng ta như thánh Augustinô đã nói trong một bài giảng: “đúng là chiếc bánh này không phải làm từ chỉ một hạt lúa mì, nhưng từ nhiều hạt lúa mì riêng lẻ.

Trước khi hoà trộn vào nhau bằng nước, chúng được nghiền nát. Nếu chúng không được nghiền nát, sau đó không được tưới ẩm thì chúng không thành chiếc bánh để chúng ta hưởng dùng. Và nếu không có lửa thì chúng cũng không thành chiếc bánh để chúng ta ăn. Bánh phải được nướng trong lò với một sức nóng dữ dội. Lúc đó bánh nói lên được niềm vui và cả niềm đau đớn khôn tả.

Rượu cũng mang một ý nghĩa như vậy: vừa là thức uống dành cho các bữa tiệc, vừa nói lên tình bằng hữu, cộng đoàn, niềm vui và chiến thắng. Tuy nhiên, tương tự như Bánh, Rượu được làm từ đâu? Từ những quả nho riêng lẻ bị vắt ép và nước ép đỏ như máu sẽ lên men để trở nên thức uống nồng ấm làm hoan hỷ lòng người. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu đã chọn rượu để làm nên máu của Người. Trong tin mừng Thánh Gioan, nước biến thành rượu, rượu trở thành máu, máu và nước đều chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu. Đó cũng là điều đã diễn ra nơi bàn tiệc Thánh Thể và trong cuộc sống chúng ta. 

Nhiệm vụ chúng ta là giữ Bánh và Rượu trong tay, nơi bàn tiệc Thánh Thể để chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa. Bởi vì chính Bánh và Rượu đó sẽ trở thành Mình và Máu Chúa Giêsu. Đó chính là của lễ Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha. Một của lễ nói lên một tình yêu sâu thẳm. Một của lễ nói lên sự hy sinh cao cả để cứu chuộc và nuôi sống chúng ta. Điều chúng ta phải làm là hòa quyện con người của chúng ta. Hòa quyện đời sống của chúng ta vào Bánh và Rượu dâng trên bàn thờ, để trở thành của lể dâng lên Thiên Chúa Cha. 

Quả thật, tấm bánh mà hàng ngày chúng ta dâng trên bàn thờ và sau đó rước vào lòng chứa đựng rất nhiều ý nghĩa: đó là thành quả của biết bao công lao: của đất, của ánh mặt trời, của những giọt mưa, của lao động và trí óc con người. Trước khi đến tay chúng ta, nó cũng đã qua tay người thợ gặt, thợ xay và người làm bánh. Để trở thành một tấm bánh dâng lên Chúa, tấm bánh đã qua rất nhiều công đoạn và tấm bánh cũng được kết hợp bởi rất nhiều hạt lúa rải rác trên khắp cánh đồng của cả một cộng đoàn đông đảo, nói lên một điều quan trọng khi linh mục đọc: “Lạy Chúa là Chúa Cả Càn Khôn, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh trường sinh cho chúng con”, ấy thế mà, một lương dân khi đi với một người bạn Công Giáo tham dự Thánh Lễ đã tâm sự: "một lời nguyện ý nghĩa như thế mà rất ít giáo dân được biết đến, thay vào đó là những bài hát không chuyển tải được ý nghĩa quan trọng của phần dâng lễ vật này". Một lưu ý để chúng ta đi vào đời sống Phụng Vụ một cách sống động hơn và nhờ đó, chúng ta đón nhận Mình và Máu Chúa Kitô một cách tích cực hơn. Amen

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập40
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm38
  • Hôm nay10,407
  • Tháng hiện tại149,525
  • Tổng lượt truy cập13,433,899
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây