THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Suy niệm Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa- Năm C

Thứ bảy - 12/01/2019 05:44
Cùng với Đức Giêsu, Chúa Thánh Thần xuất hiện dưới hình chim bồ câu đậu xuống trên Người, để chỉ cho chúng ta tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh mà chúng ta sẽ thấy trường hợp tương tự diễn ra tại biến cố Chúa Biến Hình.
Suy niệm Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa- Năm C

Tin Mừng Lc 3, 15-16. 21-22

"Khi Chúa Giêsu đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: "Gioan có phải là Ðấng Kitô không?", Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: "Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Ðấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!"

Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha".

Suy Niệm
Tiếp theo lễ Chúa Hiển Linh, Phụng vụ của Giáo Hội mời gọi chúng ta cử hành lễ Đức Giêsu, Chúa chúng ta chịu Phép Rửa, kết thúc mùa Giáng sinh. Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa có một tầm quan trọng rất đặc biệt, được các giáo phụ hết sức chú tâm bởi tính cổ thời của nó. Đây là lễ mừng cổ xưa nhất, chỉ sau lễ Phục sinh, vì là nội dung lời rao giảng của các Tông Đồ, làm thành điểm khởi hành của toàn bộ những việc làm và lời nói mà các Tông đồ phải làm chứng cho (x. Tđcv 1, 21-22; 10, 37-41). Thứ đến, đây là lần đầu tiên, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được mạc khải một cách rõ ràng và đầy đủ. Lý do nữa là phép Rửa của Chúa Giêsu nơi sông Giordan loan báo trước cho Phép Rửa bằng Máu của Chúa trên Thập Giá, và là biểu tượng của toàn bộ những hoạt động có tính cách bí tích của Ðấng Cứu Thế, để thực hiện ơn cứu rỗi nhân loại, Ngài đặt mình vào hàng ngũ các tội nhân, mặc dù Ngài là Đấng không bao giờ phạm tội, nhưng Ngài đã mang trên mình tất cả tội lỗi của nhân loại. Hành động khiêm nhường và tự hủy này, đã được Chúa Cha chứng dám : " Ngài là Con chí ái Ta, kẻ Ta đã sủng mộ" (x. Mt 3, 17 - Năm A). Cùng với Đức Giêsu, Chúa Thánh Thần xuất hiện dưới hình chim bồ câu đậu xuống trên Người, để chỉ cho chúng ta tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh mà chúng ta sẽ thấy trường hợp tương tự diễn ra tại biến cố Chúa Biến Hình.

Chúng ta coi đây là một phép lạ vĩ đại đã xảy ra sau khi Đấng Cứu Thế chịu Phép Rửa ; phép lạ này là một khúc dạo đầu của những gì sẽ xảy ra. Đây không phải là Thiên Đàng khi xưa đóng lại vì tội của Ađam nay mở ra, mà chính trời mở ra : « Chính lúc Chúa Giêsu chịu Phép Rửa xong... thì trời mở ra » (Mt 3:16).

Chúng ta tự hỏi, tại sao trời mở ra sau khi Chúa Kitô đã chịu Phép Rửa xong? Theo thánh Gioan Kim Khẩu, điều này muốn dạy chúng ta rằng, một sự tương tự vô hình cũng xảy ra khi chúng ta chịu Phép Rửa Tội: Thiên Chúa kêu gọi chúng ta hướng về trời, vì quê hương chúng ta là quê trời, và mách bảo chúng ta rằng, chúng ta không có gì ở dưới đất.

Sau khi trời mở ra, thì Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống: điều ấy mạc khải cho Gioan Tẩy Giả và những người Do Thái biết rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Và cũng dạy cho mỗi người chúng ta biết rằng, vào lúc chúng ta chịu Phép Rửa Tội, Chúa Thánh Thần cũng ngự vào tâm hồn của chúng ta. Ngài không ngự đến một cách hữu hình, bởi vì chúng ta không cần: đức tin hiện nay là đủ...

Tại sao Chúa Thánh Thần lại lấy hình một con chim bồ câu mà hiện xuống? Lý do là vì chim bồ câu rất dịu dàng và trong sạch, và Chúa Thánh Thần là thần khí dịu êm và an bình . Chim bồ câu cũng nhắc cho chúng ta nhớ lại một sự kiện chúng ta đọc thấy trong Cựu Ước khi trái đất bị ngập do lũ lụt và toàn thể loài người trong nguy cơ hư mất, chim bồ câu xuất hiện để báo sự chấm dứt của cơn đại hồng thủy, chim bồ câu ngậm một cành ô liu, báo hiệu những tin vui là hòa bình cho toàn thế giới. Bây giờ, tất cả những điều này cũng tiên báo về tương lai. Khi tất cả đã hư mất, nay được giải thoát và đổi, điều gì đã xảy ra khi nước lũ đến ngày hôm nay như là một lũ lụt của ân sủng và lòng thương xót Chúa... Chim bồ câu, thay vì ngậm một cành ô liu báo cho Noe là người duy nhất bước ra khỏi tầu để đặt chân lên mặt đất. Nay Chim bồ câu mang lại cho con người phẩm giá ơn gọi làm con Thiên Chúa, và lôi kéo hết thảy mọi người lên Thiên Đàng.

Như thế, Phép Rửa của Chúa Giêsu và Phép Rửa của chúng ta có liên kết chặt chẽ với nhau. Phụng Vụ của ngày lễ này đã hát lên như sau: "Đức Kitô chịu phép rửa, cả trần gian được thánh hoá, chúng ta được tha thứ tội lỗi, được thanh tẩy nhờ nước và Thánh Thần." (Tiền xướng của Kinh Bênêdictus, của Giờ Kinh Sáng). Nơi sông Giordan, trời đã mở ra (x. Lc 3,21) để chỉ cho ta biết rằng Ðấng Cứu Thế đã mở ra cho chúng ta con đường cứu rỗi và chúng ta có thể đi trên con đường này, nhờ cuộc sinh ra lại "bằng nước và Thánh Thần" (Gn 3,5), một cuộc tái sinh được thực hiện trong Phép Rửa Tội. Trong Phép Rửa, chúng ta được đưa vào trong Nhiệm Thể của Chúa Kitô là Giáo Hội; chúng ta chết và sống lại cùng với Chúa Kitô; chúng ta được mặc lấy Chúa, như thánh Tông Đồ Phaolô đã nhiều lần nhấn mạnh nơi các thư của ngài (x. I Co 12,13; Roma 6,3-5; Gal 3, 27).

Cử hành lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa trong Năm Đức Tin, Công Đồng Vaticanô đã nhắc lại : "Sự thánh thiện là mục tiêu kết thành ơn gọi của tất cả mọi người đã lãnh nhận phép Rửa Tội " [...]. Như thế, chúng ta là những người được sinh từ Phép Rửa Tội, cần phải lắng nghe Chúa Giêsu: nghĩa là Tin vào Chúa và vâng phục theo Chúa qua việc thi hành thánh ý Chúa Giêsu và cũng là thánh ý của Thiên Chúa Cha. Chính như thế mà mỗi người có thể tiến đến sự thánh thiện. Sách GLHTCG dạy : Nhờ Bí tích Rửa tội, người Kitô hữu được đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô... chúng ta cũng phải dấn thân vào mầu nhiệm tự hạ và hoán cải này, bước xuống nước với Đức Giêsu để bước lên với Người (số 537).

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập105
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm100
  • Hôm nay10,669
  • Tháng hiện tại170,793
  • Tổng lượt truy cập13,455,167
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây