THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Chúa Nhật XXI Thường Niên A

Thứ bảy - 22/08/2020 18:00
Tin Mừng Mt 16: 13-20: Loan báo không bằng nói suông, nhưng bằng chính những hành động như Đức Kitô đã hành động: quảng đại và tha thứ, thông cảm và bao dung.
Chúa Nhật XXI Thường Niên A
SUY NIỆM CHÚA NHẬT

CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN A

NGÀY 23/08/2020
 
 

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 16: 13-20)

Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai?" Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ". Đức Giêsu lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Simôn Phêrô thưa: "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Đức Giêsu nói với ông: "Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy". Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Kitô.

Suy niệm

 Không phải ngẫu nhiên mà Chúa Giêsu đặt câu hỏi về mình với các môn đệ. Người hiểu rõ sứ vụ của Người khi được sai đến trần gian; và Người cũng biết rất rõ sự mong chờ của dân Do Thái về một Đấng mà Thiên Chúa hứa sẽ sai đến. Sứ vụ của Chúa là đến để giải thoát con người ra khỏi bóng tối của sự chết, còn dân Do Thái mong chờ một Đấng Thiên Sai phục hồi sự cường thịnh của vương triều David. Vì thế, Chúa muốn các môn đệ, những người theo Chúa phải phân định rõ ràng lý do nào họ theo Chúa. Câu hỏi được đặt ra nhằm minh định lại lập trường theo Chúa của các môn đệ.

Phêrô như là trưởng Tông đồ đoàn đã thay mặt anh em để tuyên tín: Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa. Như vậy rõ ràng các môn đệ đã có một nhận thức khác với người Do Thái về Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không gì khác hơn là một Đấng Kitô của Thiên Chúa, Đấng mà Chúa Giêsu đã tự tỏ bày tại hội đường Nazareth: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18-19). Vâng, chính Chúa Giêsu đã minh định về sứ vụ của Người khi được Cha sai đến trần gian là để giải phóng con người khỏi mọi nguyên nhân gây ra bất hạnh và khổ đau tức tội lỗi, chứ không được sai đến để giải phóng dân Do Thái khỏi ách nô lệ của đế quốc Roma. 

Người Kitô hữu chúng ta, khi tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô của Thiên Chúa, điều đó cũng có nghĩa chúng ta phải thanh luyện đức tin của chúng ta để minh định rằng, chúng ta tin vào Chúa để không chờ đợi một gì khác hơn là được làm bạn với Chúa, làm bạn với Đấng sẵn sàng hiến cả cuộc đời vì phần rỗi nhân loại. Làm bạn với Chúa để chúng ta loại dần khỏi con người mình những nguyên nhân dẫn đưa mình sống dưới kiếp nô lệ, đó là tham-sân-si, được gọi là tam độc nguyên nhân của bao nỗi khổ đau và bất hạnh. Được làm bạn với Đức Kitô chúng ta học được lòng vị tha và nhân ái.

Vâng làm bạn với Đức Kitô chúng ta nhận ra dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha như Đức Phanxicô đã trình bày: “Đức Kitô là dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha”. Khi trình bày bức chân dung này, Đức Thánh cha không muốn người ta chỉ chuyên chăm nói về Đức Kitô dưới những nghiên cứu khoa bảng lý thuyết, nhưng trên hết mọi sự hãy trả lại căn tính đích thật về “Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Đức Kitô xuất hiện trên trần gian không phải vì Người, nhưng là để tỏ bày lòng thương xót của Chúa Cha, “Đấng giàu lòng thương xót” (Ep 2, 4). Quả thật, Đức Kitô đến thế gian, để mặc khải cho chúng ta biết trọn vẹn tình yêu của Chúa Cha. Ai thấy Đức Giêsu là thấy Cha (x. Ga 14, 9). Người “đã mặc khải lòng thương xót của Thiên Chúa bằng lời nói, hành động và bằng cả bản thân Người” (Tông thư Dung mạo lòng thương xót). 

Làm bạn với Đức Kitô chúng ta gặp gỡ với dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha, chúng ta mới thực sự thấu hiểu lời tuyên xưng của Phêrô. Đức tin Kitô giáo là một lời tuyên xưng từ một cuộc gặp gỡ với Đấng đầy khoan nhân và dung thứ, để từ lời tuyên xưng này, người Kitô hữu hân hoan loan báo về lòng thương xót của Chúa cho người khác. Loan báo không bằng nói suông, nhưng bằng chính những hành động như Đức Kitô đã hành động: quảng đại và tha thứ, thông cảm và bao dung. Loan báo về lòng thương xót của Chúa là một nhu cầu cấp bách trong thời đại hôm nay, một thời đại càng ngày càng vắng bóng lòng xót thương, trái tim con người càng ngày càng trở nên chai đá trước những nỗi bất hạnh của người khác, và hận thù càng ngày càng ăn sâu vào trong cuộc sống. Vì thế, giới thiệu dung mạo lòng thương xót của Chúa qua cuộc đời Kitô hữu hôm nay quả thật là một yêu cầu không thể làm ngơ.

Lạy Chúa, xin củng cố đức tin của chúng con, bởi cho dẫu chúng con vẫn tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa, nhưng đối diện với sự hào nhoáng của cuộc đời nhiều lúc chúng con đánh mất đức tin. Xin nâng đõ sự yếu hèn của chúng con. Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập55
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm48
  • Hôm nay9,746
  • Tháng hiện tại237,782
  • Tổng lượt truy cập13,522,156
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây