THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Tình Thương Của Chúa Và Lòng Hoán Cải Của Lêvi

Thứ năm - 27/02/2020 18:49
Tin mừng Lc 5: 27-32: Tin Mừng hôm nay trình bày cùng chủ đề mà chúng ta đã suy niệm thế nhưng lần này lại là Tin Mừng Luca mà lời và văn bản ngắn hơn nhiều, tập trung sự chú ý vào bữa ăn chính là việc kêu mời và hoán cải của ông Lêvi, và sự hoán cải cũng hàm ý dành cho chúng ta là những người đang bước vào thời điểm mùa Chay.
Tình Thương Của Chúa Và Lòng Hoán Cải Của Lêvi

SUY NIỆM HẰNG NGÀY

THỨ BẢY SAU TƯ LỄ TRO  A


TÌNH TTHƯƠNG CỦA CHÚA VÀ LÒNG HOÁN CẢI CỦA LÊVI


 

Tin Mừng Lc 5: 27-32

            Tin Mừng hôm nay trình bày cùng chủ đề mà chúng ta đã suy niệm thế nhưng lần này lại là Tin Mừng Luca mà lời và văn bản ngắn hơn nhiều, tập trung sự chú ý vào bữa ăn chính là việc kêu mời và hoán cải của ông Lêvi, và sự hoán cải cũng hàm ý dành cho chúng ta là những người đang bước vào thời điểm mùa Chay.

            Ta thấy thái độ của Chúa Giêsu đối với những kẻ bé mọn, nghèo hèn, đĩ điếm, thu thuế, nói chung những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Ngài kết thân với họ, đồng bàn với họ, và tuyên bố họ là những người vào Nước Trời trước những kẻ tự xưng là công chính. Những con người nghèo khổ ấy là một thể hiện cụ thể của mối phúc đầu tiên mà Chúa Giêsu đã công bố trong Bài giảng trên núi: "Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó," Tin Mừng được loan báo cho những người nghèo, hay đúng hơn chỉ người nghèo mới có thể mở rộng tâm hồn để đón nhận Tin Mừng.

            Chúa Giêsu kêu gọi một người tội lỗi làm môn đệ của Người. Chúa Giêsu gọi ông Lêvi, một người thu thuế, và ngay lập tức, ông bỏ lại mọi sự, đi theo Chúa Giêsu và bắt đầu hình thành một phần của nhóm các môn đệ. Ngay lập tức, thánh Luca nói rằng ông Lêvi đã chuẩn bị một bữa tiệc lớn trong nhà mình. Trong sách Tin Mừng theo Máccô, dường như đó là bữa tiệc trong nhà của Chúa Giêsu. Điều quan trọng ở đây là lời khẳng định về sự hiệp thông của Chúa Giêsu với những người tội lỗi, cùng ngồi ăn với Chúa, đó là một điều cấm kỵ.

            Chúa Giêsu đã không đến để kêu mời những người công chính. Cử chỉ của Chúa Giêsu đã gây ra tức giận phẫn uất trong số những chức sắc tôn giáo. Điều cấm kỵ là ngồi cùng bàn với các người thu thuế và phường tội lỗi, bởi vì ngồi cùng bàn với một ai đó có nghĩa là thù tiếp người ấy, coi người đó như anh em! Với cách làm việc này của mình, Chúa Giêsu đang chấp nhận những kẻ bị loại trừ và đối xử với họ như là anh em trong cùng một gia đình của Thiên Chúa. Thay vì nói trực tiếp với Chúa Giêsu, các Kinh Sư của người Biệt Phái nói với các môn đệ: Tại sao các người lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?

            Và Chúa Giêsu trả lời cho họ: “Những ai mạnh khỏe không cần tới thầy thuốc, chỉ những người đau yếu mới cần thôi. Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hoán cải!” Ý thức về sứ vụ của mình đã giúp Chúa Giêsu tìm được câu trả lời và cho thấy đường lối của việc loan báo Tin Mừng Thiên Chúa. Người đến để đoàn kết các dân tộc bị phân tán, tái hòa nhập những người bị hắt hủi, để mặc khải rằng Thiên Chúa không phải là một vị phán quan nghiêm khắc luôn lên án và tống khứ, mà Người là bậc Phụ Mẫu đón nhận và ấp ủ.

            Với câu chuyện Chúa kêu gọi ông Lêvi : “Anh hãy theo tôi !”, ông không chần chừ mà đứng dậy mau mắn theo Người. Ông đã nắm chặt lấy cơ hội, không do dự, Ông quyết định làm lại cuộc đời… Ông tổ chức một bữa tiệc lớn mời Chúa Giêsu và các bạn bè của ông là những người bị xếp vào loại hèn mạt, tới gặp Chúa Giêsu cùng thân bằng quyến thuộc đến  chung chia niềm vui và như nói lên quyết định quan trọng của mình, đồng thời cũng để từ giã họ mà đi theo Chúa.

            Trong bữa tiệc vui này, Chúa Giêsu đã đồng bàn với những người thu thuế, bạn của ông Lêvi mà vào thời bấy giờ họ bị coi là người tội lỗi, bất lương, vì khi làm nghề thu thuế thì khó tránh khỏi gian tham, bóc lột, đút lót, hối lộ, lem nhem về tiền bạc nên  bị mọi người oán ghét, ác cảm và bị đẩy xa bên lề xã hội. Ngài đồng bàn với họ là muốn chia sẻ, muốn nói lên tính thân thiện của Người với họ, ngồi đồng bàn với người tội lỗi, với mọi hạng người, Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta thấy bộ mặt của Thiên Chúa nhân hậu luôn hiện diện trong mọi sinh hoạt của con người, một Thiên Chúa chia sẻ cuộc sống của con người và muốn đi vào kết hợp thâm sâu với con người.

            Chúa đã đón nhận Lêvi với tất cả tình yêu thương, tha thứ. Chúa cũng đón nhận chúng ta như vậy và Ngài còn muốn chúng ta đón nhận và cảm thông với nhau như chính Ngài. Khi ta đón nhận tha nhân, thông cảm với những yếu đuối, lầm lỗi, khuyết điểm  nơi họ là chúng ta cũng tạo cho họ một cơ hội để phục thiện, một lý tưởng để bước đi, một sức mạnh để vượt qua tất cả.

            Qua những trình thuật trong Tin Mừng , chúng ta thấy Chúa Giêsu tìm dịp để đến với tội nhân, Người đồng bàn với họ, Người lân la trò chuyện với họ để giúp họ vươn lên , Ngài tạo cơ hội để giúp họ làm lại cuộc đời.

            Nhóm kinh sư và Pharisiêu  thấy thái độ của Chúa như thế thì bực tức và tỏ ra bất mãn, họ trách cứ Chúa: “Sao Ông ấy lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?”  nhưng Chúa Giêsu trả lời thật đơn giản, thích đáng: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau yếu mới cần …”. Thật vậy, người khỏe mạnh cần gì đến thầy thuốc, bác sĩ! Chỉ người bệnh hoạn, đau ốm , những người như ông Lêvi và các bạn hữu của ông mới là người cần Chúa hơn hết.

            Thiên Chúa là Đấng giàu lòng khoan dung, thương xót, Ngài đến không phải để luận tội nhưng để vạch ra cho chúng ta thấy thân phận yếu hèn, tội lổi của mình mà khiêm tốn thống hối,  mà hoán cải để được ơn tha thứ.

            Thánh Phaolô đã nói: "Nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó ân sủng càng dồi dào.” Tin Mừng của Chúa Giêsu là Tin Mừng của lòng tin tưởng phó thác: có thấy được nỗi bất toàn của mình, con người mới cảm nhận được sức mạnh nâng đỡ của Chúa. Tin Mừng của Chúa là Tin Mừng của an bình, hạnh phúc: có dốc cạn những ham muốn ích kỷ và những sức mạnh của danh vọng, có trở nên thực sự trống rỗng, thanh thoát, con người mới có thể được Thiên Chúa lấp đầy và tìm được hạnh phúc bình an đích thực.

            Mùa chay là mùa sám hối, mà sám hối không chỉ có nghĩa là trở về với Chúa mà còn là giao hòa với tha nhân nữa. Xin Chúa cho chúng con sức mạnh nội lực để chúng con can đảm mau mắn đứng dậy trở về với Chúa trong kinh nguyện, sám hối và điều chỉnh lại quan hệ của chúng con với tha nhân, càng sống quảng đại, càng trao ban nhưng không, chúng con càng cảm nhận được ơn nhưng không của Thiên Chúa.

            Đức thánh cha Phanxicô kêu gọi chúng ta: “Mùa Chay là mùa thuận tiện để chúng ta trở về, canh tân việc gặp gỡ Thiên Chúa để có thể nhận ra Ngài đang hiện diện sống động nơi các bí tích và trong mỗi tha nhân”. Chỉ trong sự yêu mến, kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, gắn bó với Lời Ngài chúng ta mới có khả năng nhận ra phẩm giá đích thực của nhau, đón nhận và tôn trọng nhau như quà tặng, như hồng ân của Thiên Chúa.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập108
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm102
  • Hôm nay8,581
  • Tháng hiện tại203,782
  • Tổng lượt truy cập13,219,035
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây