THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Loại Bỏ Thái Độ Khinh Thường - Chúa Nhật IV Thường Niên C

Thứ bảy - 02/02/2019 18:00
Tin mừng Lc 4: 21-30 Chúa Giêsu khởi sự công việc rao giảng của Ngài bằng việc vào Hội Đường như ta thấy hôm nay trong Tin Mừng.
SUY NIỆM TIN MỪNG 

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN C

NGÀY 03/02/2019

LOẠI BỎ THÁI ĐỘ KHINH THƯỜNG 


Tin Mừng Lc 4: 21-30
    Chúa Giêsu khởi sự công việc rao giảng của Ngài bằng việc vào Hội Đường như ta thấy hôm nay trong Tin Mừng.

          Thoạt đầu, Ngài đã gây được hứng khởi nơi người nghe. Thánh Luca viết về những hoạt động của Ngài trong lúc này như sau: Danh tiếng Ngài lan tràn cả miền chung quanh. Ngài giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Nhưng cũng chính thánh Luca đã cho chúng ta thấy một cách sống động rằng ngay từ điểm khởi đầu này, lời giảng dạy của Chúa Giêsu đã tạo nên những chống đối. Chẳng hạn ngày hôm nay, những người làng Nadarét sau khi đã ca ngợi Ngài, thì họ bắt đầu thắc mắc về Ngài. Họ bàn tán: Ông này hẳn không phải là con bác phó mộc Giuse hay sao?

          Và từ thắc mắc, họ đi đến chỗ căm thù, thậm chí còn muốn thủ tiêu Ngài, như lời thánh Luca đã viết: Mọi người trong hội đường đều đầy lòng căm phẫn, họ đứng dậy, đuổi Ngài ra ngoài thành và điệu Ngài lên tận triền núi, nơi thành họ được xây cất, cố ý xô Ngài xuống cho chết.

          Thánh Luca đã ghi lại trong Tin Mừng hôm nay. Sau khi nghe Chúa Giêsu đọc và giải thích đoạn sách của tiên tri Isaia, những người trong hội đường xì xầm với nhau: "Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?". Có lẽ, câu nói này không diễn tả một thái độ nghi ngờ, trần tục hóa sự thiêng liêng cao cả của Chúa Giêsu, bởi vì họ vừa mới chăm chú lắng nghe và thán phục những lời thốt ra từ miệng Người.

          Thật vậy, ta thấy đúng hơn rằng câu nói đó như diễn tả một sự toan tính đầy ích kỷ, tư lợi của những người đồng hương với Chúa. Họ mang một tâm tính vốn rất thường gặp ở đời: "Một người làm quan cả họ được nhờ". Nếu người này là con ông Giuse, bây giờ trở thành tiên tri và làm được các phép lạ, vậy tại sao chúng ta lại không lợi dụng địa vị đó để mưu ích cho thôn xóm, bản làng của mình. Câu ngạn ngữ Chúa Giêsu trưng dẫn để nói với họ: "Thầy lang ơi! Hãy chữa lấy mình" cho thấy, họ muốn Chúa hãy làm cho họ hưởng các phép lạ trước rồi sau đó mới cho người khác được hưởng. Họ muốn đưa ra một tối hậu thư bi đát ép Chúa phải phục vụ họ trước. Vậy Chúa Giêsu đã xử trí thế nào trước thái độ hẹp hòi của họ.

          Ta thấy những người làng Nadarét của thánh Luca, cũng như những hình ảnh gia nhân không tiếp đón Ngài của thánh Gioan, phải chăng là những hình ảnh tượng trưng cho người tín hữu chúng ta. Bởi vì mặc dù đã biết Chúa mà nhiều lúc chúng ta vẫn không tin Chúa. Mặc dù nhận lãnh những ơn lành của Chúa mà nhiều lúc chúng ta vẫn lăng nhục và thù ghét Chúa. Mặc dù đã được Chúa thứ tha, mà nhiều lúc chúng ta vẫn xua đuổi Chúa. Hãy khử trừ tội lỗi và hãy thực thi những điều Chúa truyền dạy, để nhờ đó chúng ta không cứng lòng như những người làng Nadarét, cũng như không xua đuổi Chúa như những gia nhân mà thánh Gioan đã nói đến.

          Đôi mắt của người dân Nadarét đã bị che phủ bởi thành kiến nên họ đã không nhận ra vai trò và sứ mạng cao cả của Chúa Giêsu. Với thành kiến rằng Chúa Giêsu chỉ là một anh thợ mộc bình thường con của bác thợ Giuse, bà con thân thích của Ngài đâu có ai sáng giá... nên họ đã không tin Ngài. Họ đã để tuột khỏi tầm tay một cơ hội ngàn vàng, đã đánh mất hồng ân vô giá.

          Chúa Giêsu trong thân phận con người, Ngài cũng từng cay đắng để thốt lên rằng: "không một tiên tri nào được kính trọng nơi quê hương mình". Người ta dễ "gần chùa gọi Bụt bằng anh". Người ta xem thường đồng hương. Dù biết rằng tình đồng hương rất cần vì "tối lửa tắt đèn có nhau". Dù biết rằng kẻ láng giềng rất cần thiết, cần thiết hơn là anh em ruột thịt mà ở xa, như lời cha ông đã nói: "bán anh em xa, mua láng giềng gần".

          Thế nhưng, thực tế cho thấy, người hàng xóm lại dễ mất lòng nhau. Người hàng xóm lại dễ ganh tỵ với nhau. Thay vì sống với nhau để mang lại sự chia sẻ, cảm thông, nhưng lại gây sóng gió cho nhau. Có mấy ai ở bên nhau mà không lời qua tiếng lại? Có mấy ai ở bên nhau mà đùm bọc lấy nhau như là bí với bầu "tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"? Chúa Giêsu cũng từng bị đồng hương tìm cách loại trừ. Đã có lần người ta cho rằng Người đang bị mất trí.

          Bị những người thân quen của mình khước từ là một việc tổn thương sâu sắc. Chúa Giêsu đã đau buồn bởi những điều đã xảy đến với Người ở Nadaret, nhưng Người đã không trở nên cay cú và chôn vùi những ân huệ của Người. Người đã làm điều Người có thể làm cho những kẻ đã tin Người ở Nadaret, và rồi Người mang những ân huệ của Người đi nơi khác.

          Chính vì cái nhìn thiển cận và đầy thành kiến của người đồng hương nên Chúa Giêsu đã không thể làm một phép lạ nào nơi quê hương mình. Hôm nay, sau thời gian dài, Ngài đi rao giảng và làm nhiều phép lạ, Ngài trở về dưới cái nhìn xem thường của đồng hương. Họ không tin một Giêsu con bác thợ mộc lại có thể làm nhiều phép lạ như lời đồn. Nói đúng hơn, là họ không thể chấp nhận sự thật về con người Giêsu mà họ đã biết từ khi ấu thơ, nay lại có thể có những khả năng phi thường như vậy. Họ đã bị vấp phạm vì Người. Họ đã tìm cách loại trừ Chúa Giêsu, nhưng Người đã băng qua giữa họ mà đi.

          Chúa Giêsu đã nhìn xa hơn nữa, không những Người thấy những kẻ đồng hương với Người ở Nagiarét không muốn chấp nhận Người; nhưng qua họ, Người còn thấy rõ cả dân tộc Do Thái nữa cũng sẽ không đón nhận. Họ cậy mình đã có luật pháp và không muốn bị xáo trọn bởi một luồng gió mới nào nếu người khởi xướng không làm được những dấu lạ điềm thiêng như Môsê ngày trước. Nghĩa là họ chỉ muốn mãi mãi là những người xác thịt, coi trọng những cái bề ngoài và không bao giờ muốn trở nên trưởng thành, biết ý thức về ý nghĩa của luật pháp như các tiên tri thường hướng dẫn. Tín ngưỡng của họ trở thành thứ tôn giáo của chữ viết, và của hình thức, chứ không muốn là sự sống tinh thần như Thiên Chúa kêu gọi. Do đó, họ rất ít nghe lời các tiên tri.

          Hơn nữa, họ còn bỏ rơi các ngài. Thường khi họ còn giết chết các ngài nữa. Mà các ngài đâu có thiếu gì các quyền năng? Êlya không có quyền đóng góp cửa trời và làm mưa sao? Thế mà có ai trong dân Do Thái được nhờ ông? Trái lại một góa phụ ở Sarepta thuộc dân ngoại đã được ông cứu đói. Êlisê cũng vậy. Ông là tiên tri rất mạnh thế.

          Để cảnh tỉnh họ, Chúa Giêsu chỉ cho họ thấy chỉ vì tổ tiên họ ngày trước đã không đón nhận các ngôn sứ Thiên Chúa gửi đến cho mình, nên đã đánh mất những ân huệ lớn lao. Cụ thể là vào thời ngôn sứ Isaia, khi trời hạn hạn suốt ba năm sáu tháng, dân Israel phải lâm vào cơn đói khát trầm trọng, vậy mà ngôn sứ Isaia được sai đến, không phải để cứu giúp các bà goá trong dân Israel thời đó, mà là để cứu đói cho hai mẹ con bà goá ngoại giáo nghèo khổ thành Sarépta, miền Siđôn.

          Khi Chúa Giêsu giảng trong hội đường Nagiarét thân quen, họ đã ngỡ ngàng thán phục trước lời Ngài nói. Hãnh diện biết mấy khi một thành viên trong làng nay được tiếng tăm lẫy lừng khắp miền Galilê! Nhưng tin Chúa Giêsu là một ngôn sứ lại là điều họ không làm được.

          Tin là thái độ căn bản trong cuộc sống. Chẳng ai có thể sống mà không tin. Không tin người này nhưng lại tin người kia. Không tin lý thuyết này nhưng lại tin giả thuyết nọ. Thành ra ai cũng phải chọn một niềm tin. Không phải chọn một cách vu vơ, mù quáng, nhưng một cách sáng suốt và tự do.

          Chúa đi tìm đức tin còn họ đi tìm lợi lộc. Khi đi rao giảng, Chúa muốn đem cho ta niềm tin. Niềm tin đã là khởi điểm của nhiều phép lạ. Chúa chỉ làm phép lạ khi người ta có niềm tin. Niềm tin đã là kết quả của nhiều phép lạ. Chúa chỉ làm phép lạ khi phép lạ dẫn đến niềm tin. Nhưng dân làng Nazareth không nhìn thấy điều đó. Họ không tin Người là Đấng Cứu Thế. Lời giảng của Người không đưa họ tới đức tin và Thiên Chúa, vào Nước Trời. Họ chỉ mong được có phép lạ. Vì họ chỉ mong được lợi lộc vật chất: được khỏi bệnh; được ăn no. Mong ước của họ không gặp được mong ước của Chúa.

          Dân chúng Galilê tin vào Thiên Chúa và mong đợi Đấng Messia. Thiên kiến làm mờ mắt họ, không nhận ra Chúa Giêsu đến thành toàn niềm tin và mong đợi của họ. Vậy mà chúng ta biết rằng tiến trình của đức tin luôn luôn vấp phải những bất ngờ khiến người ta bối rối. Đức tin sống động không ưa thứ tư tưởng đặt thành hệ thống và những việc làm theo thói quen máy móc. Thanh luyện tâm trí, chuẩn bị tâm trí sẵn sàng nghênh tiếp Thiên Chúa là một trong những yêu cầu chủ yếu của sự tiến bộ trong đức tin.

          Ước gì mỗi người chúng ta biết khiêm tốn để nhận ra sự cần thiết của tha nhân trong đời sống của mình. Vợ chồng cần có nhau để bổ túc và mang lại hạnh phúc cho nhau. Con cái cần đến cha mẹ để nương nhờ cậy trông. Hàng xóm cần đến nhau để "tốt lửa tắt đèn có nhau". Và một khi đã nhận ra sự cần thiết của tha nhân trong đời sống của mình, thì hãy sống tôn trọng và kính trọng lẫn nhau, để cùng nhau xây dựng cuộc sống cho nhau những niềm vui và hạnh phúc.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập21
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm8
  • Hôm nay7,054
  • Tháng hiện tại121,721
  • Tổng lượt truy cập13,136,974
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây