THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Chú Giải Tin Mừng - Chúa Nhật VII Thường Niên C

Thứ bảy - 23/02/2019 18:15
Tin mừng Lc 6: 27-38 Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị 'Thiên Chúa lên án.

SUY NIỆM TIN MỪNG

CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN C

NGÀY 24/02/2019

1 Sm 26,2.7-9.12-13.22-23; 1 Cr 15,45-49; Lc 6,27-38
 

YÊU KẺ THÙ, LÒNG NHÂN ÁI TỪ BI (Lc 6,27-38)

1. Những người giàu có mà CGS đã chúc dữ trong đoản văn trước đây đã ra đi, nên bây giờ CGS quay lại nói với các môn đệ đang có mặt. Ngài phán bảo với họ cách uy quyền: "Nhưng Ta bảo các con". Lời Ngài mói là lời đến từ TC. Ngài nói như kẻ có quyền, chứ không như các tiến sĩ luật và các người biệt phái (Mt 7,28). CGS đã thu tóm cả lề luật tức là việc chu toàn ý muốn TC vào giới luật tình yêu: "ngươi phải yêu mến TC, TC ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi; và yêu đồng loại như chính mình" (10,27). Được phần trước với những lời chúc phúc và chúc dữ, CGS đã cho biết cách thế để yêu mến TC hết lòng. Bây giờ Ngài đề cập đến vấn đề yêu thương tha nhân.

CƯ cũng nói đến giới luật yêu thương tha nhân: "Hãy yêu thương tha nhân như chính mình" (Lv 19,18). CGS tách riêng giới luật này và nâng nó lên trên mọi giới luật khác trong lề luật để nói lên tầm quan trọng to lớn của nó: Ngài cũng đem lại một lối giải thích mới. Tha nhân chính là mỗi người. Dù là kẻ thù ta. Từ lối giải thích căn bản về tình yêu, nghĩa là phải yêu cả kẻ thù. Trong Lc, toàn bộ luân lý trong diễn từ công bố trên đồng bằng dựa trên cơ sở lối chú giải căn bản về tình yêu kể cả việc yêu kẻ thù.

"Kẻ thù các con" (c.27) chính là những người thù nghịch với nhóm môn đệ, những kẻ vu khống, những người bách hại, những kẻ thù của mỗi một môn đệ. CGS buộc phải yêu thương họ. Tình yêu lòng thiện cảm, có thể bị ép buộc không ? Người ta có thể dễ dàng chiếm được tình cảm, tình yêu chăng ? Tình yêu mà CGS truyền dạy chính là làm điều thiện, là chúc phúc, là cầu bầu. Theo CGS, yêu không nhất thiết là cảm nghiệm một tình cảm nào đó (càng tốt nếu từ một tâm tình tiêu cực biến đổi thành một tâm tình tích cực, tuy nhiên, không phải luôn luôn như thế); yêu chích là điều gì đó cho một ai, cho cả người ghét ta, nguyền rủa ta, bạc đãi ta.

Tình yêu tha nhân không chỉ hệ tại việc tha thứ những bất công mình phải chịu. Yêu thì không còn nói đến tha thứ, phải giả thiết là đã tha thứ trước rồi. Môn đệ CGS dĩ nhiên phải chu toàn tát cả những gì có lợi cho kẻ thù. Người môn đệ phải lấy ơn báo oán, chúc phúc cho những người chúc dữ, cầu nguyện cho những người bạc đãi mình. Ai yêu kẻ thù mình thì không chỉ tự mình dấn mình phục vụ kẻ thù bằng việc thiện mình làm cho họ, nhưng còn làm TC nhập cuộc giúp đỡ kẻ thù bằng cách cầu xin Ngài ban cho kẻ thù mình điều mình không có khả năng thực hiện. Đối với các môn đệ thì lòng yêu thương kẻ thù phải thâm nhập vào trong mọi lãnh vực của cuộc sống họ: trong hành động cụ thể bên ngoài, trong những ước muốn, trong lời nói, ngay cả trong tâm hồn.

2. Yêu kẻ thù thật khó, chúng ta phải tự vệ chống bất công, muốn trả thù khi người cư xử bất công với chúng ta. Một cách nào đó chúng ta muốn ngăn cản điều ác lan tràn bằng cách trả đũa, báo phục nghiêm khắc: "Ta làm cho ngươi điều mà ngươi đã làm cho ta: mắt đền mắt, răng đền răng" (x. Mt 5,38). CGS đòi buộc không được lấy ác báo ác, cũng như đừng nên làm gì chống lại điều ác. Ngài đòi buộc phải lấy thiện thắng ác. Những nguyên tắc này có giá trị đối với những bất công cá nhân chúng ta phải chịu: "Với người tát má con..." (c.29) chúng cũng có giá trị khi người ta vi phạm tư sản của chúng ta: "Với người lấy áo choàng con..." (c.29).

Người môn đệ của CGS phải vui mừng phân phát, ban tặng cách vô giới hạn. "Phàm ai xin, con hãy cho" (Lc 30), chứ đừng xét đến quốc tịch, tính ngưỡng, tư tưởng hay thái độ cá nhân, phẩm giá của người đó..." CGS còn đi xa hơn nữa: dù tài sản ta có bị cướp mất do bạo lực hay mưu mô, ta chớ đòi bồi hoàn. Ai phải chịu hoàn cảnh như thế, đừng tự vệ, đừng tìm cách lấy lại những gì đã mất. Sự bất công phải chăng phải trở nên công bình ?

Chúng ta không thể bình thản nghe những yêu sách như thế của CGS ? Không có gì trong chúng ta phản kháng lại các đòi buộc như thế ? Phải chăng thâm tâm ta không có gì biện bác chống lại hay sao ? Phải chăng như thế là đã chối bỏ nhân vị và quyền lợi cá nhân ? Phải chăng như thế là mở ngõ cho sự ác hoành hành ? Là khuyến khích cho những bản năng xấu xa đê hèn nhất của con người tăng triển ?

Những gì được đưa ra ở đây gây quá nhiều ngạc nhiên, chúng ta xem ra có vẻ nghịch lý, bởi vì thực tế con người cư xử với nhau theo những luật lệ hoàn toàn khác thế. Các ví dụ này cho thấy lối cư xử thường tình của con người trái ngược biết bao với ý muốn TC và cũng cho thấy Nước TC cần chiếm hữu họ để biến đổi họ. Chúng ta nghĩ sự ác sẽ bị tiêu diệt, nếu chúng ta chống lại sự ác, lấy ác báo ác. Nhưng CGS công bố: chỉ có điều thiện mới thắng điều ác. Ngài mang nước TC đến, và nhờ mọi thiện hảo trong Ngài lan tỏa, sự thiện sẽ chiến thắng sự ác.

Cách thức CGS diễn tả rất gợi hình, cụ thể, cứng rắn. Ngài muốn gieo rắc ưu tư lo lắng, muốn thức tỉnh lay động, hoán cải những tâm hồn xấu xa. Những thí dụ Ngài đưa ra đây minh giải cho một thái độ, một trạng thái tinh thần mà Ngài muốn phổ biến. Đây không phải là một bài học luân lý với những điều kiện này thì phạm tội, những tuân giữ kia thì không phạm tội. Ngài không có chủ ý ban hành một lề luật mới gồm bốn phần: phần thứ nhất: khi ai đánh con má này...Thứ hai: khi ai lấy áo con... Thứ ba: ...Nếu hiểu như thế là chưa quán triệt lời Ngài. Những thí dụ này là những hình ảnh nói lên cách cụ thể một thái độ căn bản. Đó là thái độ mà chính CGS muốn có, và môn đệ là người thể hiện hành động trong muôn vàn hoàn cảnh của cuộc sống hiện tại cụ thể.

Làm thế nào để thể hiện lòng yêu thương kẻ thù bằng hành động cụ thể ? Tôi phải làm gì cho tha nhân ? Cho cả kẻ thù tôi ? Các bậc khôn ngoan, các tiến sĩ luật Do thái và ngoại giáo đã nói về điều này qua "luật vàng". Ông già Tobia đã truyền luật này lại cho con: "Điều chính con không thích, đừng làm cho kẻ khác" (Tob 4,15). Một tiến sĩ luật Do thái, ông Hillel, phát biểu một châm ngôn tương tự: "Đừng làm cho tha nhân điều ngươi không thích" (x. J.Bonsirven, Textes rabbiniques số 633). Học thuyết khôn ngoan của người Hy lạp cũng đã biết luật này từ lâu. Những người thuộc phái hắc kỷ đã diễn dịch luật này như sau: "Điều ngươi không muốn người ta làm cho chính ngươi, thì ngươi cũng đừng làm cho kẻ khác". Con người mang sẵn trong mình sách Lề luật và qui tắc đích thực về thái độ phải có đối với những người đồng loại. Chính những hoài bão, nhu cầu con người muốn tạo cho họ dạy họ điều phải làm.

"Điều các con muốn... các con hãy làm cho người ta như vậy" (c.31). Các bậc khôn ngoan đưa ra một qui luật để con người đừng làm cho tha nhân điều gì có thể làm cho chính mình khó chịu. Hiển nhiên ở đây họ cũng trình bày "luật vàng" ấy cách tích cực, nhưng họ chú ý ngay đến cả những hậu quả tốt mà người thực thi luật đó được hưởng đến nỗi châm ngôn ấy một cách luẩn quẩn nói lên tính ích kỷ: tôi chỉ làm cho kẻ khác điều tôi mong chờ họ làm cho tôi, hay hơn nữa, tôi có thể làm cho họ điều tôi ước ao cho chính tôi. CGS đổi mới "luật vàng" này trong hai điểm: không phải làm điều tiện để được lại điều thiện, nhưng phải khai mào cho điều thiện mà không cần được đáp trả. Đàng khác (nhưng bản văn Lc không nói đến điểm này vì Lc viết phúc âm cho những Kitô hữu từ ngoại giáo trở lại) luật này được trình bày như là bảng tóm lược tư tưởng thánh kinh: lề luật và các tiên tri (Mt 5,12 và 22,40).

4. "Và nếu các con yêu mến những kẻ yêu mến các con, thì còn ân nghĩa gì ?" (c.32). Các môn đệ CGS phải chu toàn ý muốn TC trong một mức độ toàn vẹn và triệt để hơn các người khác. Họ không thể sống như các người tội lỗi. Họ là muối đất, là ánh sáng, là thành xây trên núi (Mt 5,13tt). Chính vì thế họ phải yêu thương mà không cần đáp trả, tình yêu của họ không đặt nền tảng trên tính cách hỗ tương. Nếu chỉ yêu thương những kẻ yêu thương họ, thì họ không hơn gì người tội lỗi. Họ phải yêu thương ngay cả những kẻ mà họ không thể mong chờ đáp trả hay thưởng công. Phải yêu thương như vậy bởi vì đó là ý muốn của TC, bởi TC cũng hành động như thế. "Khi con bố thí, thì tay trái đừng biết việc tay phải làm, hầu việc con bố thí được giữ kín; và Cha là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn sẽ hoàn trả lại cho các con" (Mt 6,3tt).

Tình yêu biểu lộ qua việc thiện ta làm, qua việc cho vay mà không hy vọng lấy lại (c.34). Kẻ biết yêu thương đều có mặt ở những nơi khốn khổ. Tình yêu mà Chúa Kitô muốn nói là một tình yêu sinh động. "Hỡi các con nhỏ, chúng ta đừng yêu thương bằng lời nói, bằng đầu lưỡi, nhưng bằng việc làm và chân lý" (1Gio 3,18). Vậy CGS có thể đòi buộc yêu thương, bởi vì đó là một tình yêu, biểu lộ qua hành động. Tình yêu đó có thể tỏ hiện trong người sẵn sàng cởi mở và cảm thông những nỗi cùng cực của tha nhân. Kẻ nào thực sự quan tâm đến tha nhân thì có năng lực yêu thương thật sự.
CGS hứa ban thưởng cho kẻ biết yêu thương như thế. Thì còn ân với nghĩa gì ? TC biết rõ những hành động của con người. Ngài thi ân giáng phúc và ân cần săn sóc cho những ai hành động đẹp lòng Người.

5. "Không trông báo đền" (c.35), đó là dấu chỉ tình yêu nơi các môn đệ. Không được người ta biết ơn, tán tụng, đền đáp. Yêu thì không tính toán. Tình yêu phát xuất từ thâm sâu con người và lan rộng. Ngay cả khi cho vay, người môn đệ cũng đừng trông mong được bồi hoàn nhưng cho vay chỉ vì muốn giúp đỡ kẻ khác. Vì khi yêu thương kẻ thù phải loại bỏ hy vọng được yêu lại; chính vì thế yêu kẻ thù là tình yêu đích thực nhất của các môn đệ CGS. Điều thúc đẩy các môn đệ yêu thương chính là ý muốn của TC, quyền năng của Ngài, gương mẫu của CGS thày chúng ta, và lời Ngài.

Người môn đệ chu toàn giới luật yêu thương kẻ thù này sẽ được thưởng lớn, người đó sẽ được gọi là con Đấng tối cao. Đây chính là danh từ được gán cho CGS trong cảnh truyền tin: "người này sẽ được nên cao trọng và sẽ được gọi là Con Đấng Tối cao; TC sẽ ban cho người ngôi báu Đavit, tổ phụ Ngài" (1,31). Kẻ nào chu toàn giới luật yêu thương kẻ thù, sẽ được quyền làm con TC và như thế sẽ được tham dự vào quyền cai trị của chính CGS.

Làm con TC không chỉ là một thực thể đáng mong ước và chỉ xảy ra vào thời thế mạt; con người đã được làm con TC ngay từ lúc thực sự biết yêu thương kẻ thù. Do tình yêu không vụ lợi không đòi đáp trả người môn đệ trở nên giống TC; bởi TC cũng hoàn toàn tốt lành đối với kẻ vô ơn và ác đức. Người môn đệ trở nên con của Đấng tối cao, của Đấng tốt lành vượt trên mọi hành động của con người.

6. Người "xót thương" là người biết cảm xúc trước nỗi cùng cực của con người, biết mở lòng cảm thông nỗi khắc khoải và cùng cực của tha nhân, biết cứu giúp tất cã những ai thống khổ.

CGS công bố TC là một người Cha đầy thương xót. Nước TC được khởi đầu bằng việc loan báo ơn giải thoát cho kẻ bị giam cầm, bằng việc giải chiếu ánh sáng cho người mù tối, giải phóng những kẻ bị áp bức. CGS được sai phái đến thế gian để loan báo thời cứu độ đã đến và mang ơn cứu độ đến. Ngài đã rảo khắp xứ để thực thi việc thiện. Ngài tha tội lo lắng cho tội nhân, nói đến niềm vui của Chúa Cha trên trời khi có tội nhân trở về với Ngài trong thời kỳ ân sủng này (5,11-32). Sứ mệnh của CGS được diễn tả một cách chủ yếu trong lời Ngài kêu mời vào giao tế với các tội nhân (Lc 15,4-10; 7,36-47; 18,10-14; 19,1-10).

Lòng thương xót của Chúa Cha dạy cho các môn đệ biết điều chính họ phải làm. CGS đòi hỏi người ta phải thực hiện điều mà người Do thái gọi là "bắt chước TC". Cũng như TC đã cho con người trần truồng áo mặc. Cũng như TC đã viếng thăm những kẻ bịnh hoạn (Stk 18,1), ngươi cũng hãy thăm viếng bệnh nhân... Cũng như TC được gọi là Đấng đầy xót thương và tốt lành, ngươi cũng hãy cố gắng sống để được gọi là người biết xót thương và tốt lành, ngươi hãy bố thí mà không chờ phần thưởng... Cũng như TC được gọi là tốt lành... Cũng thế ngươi hãy sống tốt lành.

Vậy tình yêu có hai qui tắc nhờ đó con người có thể đo lường và cảm nghiệm được lối cư xử cụ thể của mình. Đó là ước muốn của chính tâm hồn mình: yêu tha nhân như chính mình - và lòng xót thương của Cha trên trời. Hai qui tắc đó trong thực tế chỉ là một; vì người môn đệ là con của Đấng tối cao, là hình ảnh của TC. CGS tái tạo hình ảnh của TC trong con người bởi vì Ngài đến loan báo quyền thống trị của Đấng tối cao, là Cha đầy thương xót của chúng ta.

7. Thương xót và yêu thương con người trước tiên là không xét đoán họ: "Đừng xét đoán..." (c.37). Kẻ nào tìm hiểu xem tha nhân có đáng được xót thương và yêu mến không, người đó đã vi phạm giới luật yêu thương; vì tình yêu là nhưng không, do lòng xót thương trước nỗi cùng cực của tha nhân. Xét đoán chỉ có hai giai đoạn: lượng giá và kết án. CGS không muốn lượng giá và xét đoán ai. Hẳn nhiên, ở đây không có vấn đề xử dụng quyền tư pháp như trong một xã hội nào đó (CGS đã không bao giờ lên án việc xử dụng quyền tư pháp trong các dụ ngôn của Ngài hay ở những nơi khác). Ở đây chỉ có những phán đoán được thể hiện qua tư tưởng hay lời nói. Những lời phán đoán đó không bỏ lượng giá luân lý về hành động, nhưng cấm tuyên bố người hành động như thế là có tội.

CGS đã đòi buộc phải yêu thương kẻ thù và phải có lòng thương xót: "Hãy yêu thương kẻ thù - hãy biết xót thương". Chỉ có TC là Đấng xét đoán mới có thể đòi hỏi con người trả lẽ vào thời của Ngài. Kẻ nào đặt mình là người xét xử tha nhân, thì TC sẽ xét đoán người ấy. Cách thức tôi đối xử với tha nhân sẽ định rõ cách thức TC đối xử với tôi.

8. Tội phạm và lầm lỗi mà tha nhân đã có thể gây ra cho tôi, rất có thể ngăn cản tôi xót thương và yêu mến họ. CGS chỉ cho ta hai con đường để vượt qua trở ngại đó: là biết tha thứ và ban tặng chính mình. Nhờ tha thứ, hàng rào ngăn cách giữa tôi và tha nhân không còn nữa; nhờ trao ban chính mình, tôi được nối kết với tha nhân.

Đòi buộc phải tha thứ cũng như đừng kết án lại được đặt vào trong viễn tượng Ngày Thẩm phán cuối cùng đang đe dọa con người. "Các con sẽ được tha thứ" và "các con sẽ được người ta cho lại", hai câu này qui chiếu về ngày thẩm phán sau hết. Bấy giờ, TC sẽ xét đoán chúng ta theo lối cư xử của chúng ta. Một cách nào đó, lời phán xét chung thẩm đang ở trong tầm tay ta. "Xin tha tội chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con" (11,4).

Ngày thưởng công sẽ đến. Đó là một ngày thu hoạch rất phong phú cho những ai đã biết ban phát. TC giống như một nông gia trả lương rất hậu cho công nhân của Ngài (đồng lương ở đây được diễn tả qua hạt lúa). Một nông gia hà tiện đổ đầy đấy lúa, rồi gạt cho sát, hầu khỏi phải cho quá số lượng cần thiết. Một nông gia đại độ sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn đã lắc, hầu có thể ban phát nhiều hơn số lượng cần thiết, ông đổ đầy, tràn đấu lúa. TC giống như nông gia đại độ ấy. Ngài rất đại lượng trong việc thưởng công. Đồng lương Ngài ban phát cho không phải là đồng lương người ta đáng được, nhưng là một món quà tặng do lòng rộng rãi của Ngài, Ước gì ý niệm thưởng công, trả lương, không làm cho chúng ta thu hẹp lối diễn tả tình yêu vô biên của TC nơi chúng ta. Điều mà TC ban, luôn là vô hạn nhiều hơn điều chúng ta đã phân phát. "các con hãy vui mừng và hoan lạc vì phần thưởng các con trên trời rất lớn lao".

Dầu vậy, dù TC không hẹp hòi khi ban ân huệ, Ngài cũng chỉ ban phát cho những ai đã biết trao ban.

Diễn từ về lòng thương yêu kẻ thù được loan báo trong viễn tượng ngày chung thẩm cuối cùng. Nhưng nó không kết thúc sau lời đoán xét và án phạt của TC, mà lại kết thúc với lời mô tả lòng tốt vô biên của Ngài. Lối hành văn của các câu trước có một nhịp điệu như nhau, nhưng đến câu nói của lời Chúa ban ân huệ: "Và các con cũng sẽ được ban cho" lại có cung điệu trang trọng hơn. Như thế trọng tâm của vấn đề được dời từ sự nghiêm khắc qua lòng tốt của TC, từ xét đoán qua hạnh phúc, từ lời đe dọa qua lời hứa, từ sợ hãi qua hy vọng.

Phần kết luận (c.38b) là một lời canh chừng: đong đấu nào, trả đấu ấy. Kẻ nào cho ít, sẽ nhận được ít. Kẻ nào cho dư đầy - hình ảnh về TC đại độ hiểu ngầm dưới đây - sẽ nhận được dư đầy. Tuy nhiên lòng thương xót vượt quá mọi giới hạn, mọi điều công bình mà TC sẽ chứng tỏ trong ngày Ngài thẩm phán không phải là không có điều kiện. Kẻ nào biết trao ban và tha thứ cho con người, sẽ nhận được dư đầy ân huệ và được TC tha thứ. Kẻ nào không biết trao ban và tha thứ thì đừng có hy vọng được TC ban và tha thứ.

KẾT LUẬN

Điều CGS muốn dạy qua những câu nói thẳng thừng này, với một cung giọng đông phương và rất gần với não trạng của thính giả là: trong các tương giao xã hội của con cái TC, dù đối xử với nhau, dù đối xử với kẻ khác hay ngay cả với kẻ thù, thì họ phải dùng một thứ lề luật khác vì lề luật báo thù hay luật công bình giao hoán mà con người thời cổ thường dùng. Bởi thế, các mối tương giao ấy nhất thiết phải là có tính cách huynh đệ: chúng ta tất cả là con cùng một cha trên trời. Qui luật tối thượng trong các tương quan giữa con người không phải là công bình nhưng là tình yêu.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Kẻ thù mà đoạn sách phúc âm này nói đến là kẻ thù ở trong nhóm, hay trong quốc gia đang sống. Vấn đề không phải là thay đổi các tâm tình sâu xa đối với kẻ thù, vì những tâm tình này độc lập với ý muốn chúng ta cho con. Nhưng vấn đề được đặt ra lúc có dịp cụ thể chúng ta phải có những hành động cụ thể giúp đỡ kẻ thù: cho kẻ thù đói khát ăn, săn sóc nếu họ bị thương, chôn cất một tử thi... Điều này đôi lúc đòi ta phải anh hùng can đảm, không những chỉ để vượt lên trên mối ghê tởm tự nhiên đối với họ, nhưng để tỏ ra mình cũng có "thiện cảm" với kẻ thù dân tộc. Hẳn nhiên, ở đây không có vấn đề giúp đỡ về quân sự (vì như thế là chống lại huấn lệnh về tình yêu, bởi chưng giúp đỡ về quân sự chính là trở lại chống đối người thân cận mình). Nhưng vấn đề ở đây là khi có thể trả thù kẻ thù bị ta bắt giam, ta hãy đối xử cách nhân bản và theo đức ái Kitô giáo.

2. "Kẻ thù" mà chúng ta thường gặp trong cuộc sống hàng ngày là tất cả những ai lân cận hay quen biết chúng ta mà lại phỉnh gạt chúng ta dưới bất cứ hình thức nào, là tất cả những ai tự nhiên có ác cảm với chúng ta, tất cả những ai luôn chống đối lại chúng ta khi chúng ta lên tiếng. Tất cả những ai lợi dụng sự cộng tác của chúng ta, tất cả những ai không tôn trọng chúng ta, tất cả những ai nói xấu sau lưng chúng ta, tất cả những ai bóc lột, chà đạp, vô ơn với chúng ta... Những kẻ thù ấy luôn đi sát ta. Chính CGS đòi chúng ta phải yêu thương giúp đỡ họ khi gặp cơ hội thuận tiện, phải tha thứ họ tận đáy lòng. Hẳn nhiên một thái độ như thế không có gì là "tự nhiên" hay tự phát cả. Trong một vài trường hợp chúng ta có lẽ muốn chết đi hơn là làm hòa với một ai đó sống cạnh chúng ta mà đã phỉnh gạt chúng ta. Và đó chính là điều mà CGS đòi buộc nếu chúng ta muốn trở nên môn đệ Ngài: chết đi cho những cảm tình tự nhiên để mặc lấy một lần thay cho tất cả tâm hồn quảng đại của Đức Kitô, Đấng đã tha thứ cho kẻ thù khi hấp hối trên thập giá. Điều CGS đòi buộc chúng ta không thể thực hiện được nếu chúng ta chỉ cậy dựa vào bản tính con người. Nhưng TC sẽ ban ân sủng, sức lực siêu nhiên để giúp chúng ta vượt lên trên sự đối kháng nội tâm, và thực sự trở nên những con người mới phát sinh từ Chúa Thánh Thần, những con người đích thực của Đấng tối cao (c.35). Không thể trở nên môn đệ đích thực của CGS khi chưa chịu chết đi cho chính mình. Nhưng nếu bằng lòng chết đi cho chính mình, bấy giờ chúng ta sẽ khám phá ra một cuộc sống mới trong Chúa Kitô, vì chính Chúa Kitô sẽ biến đổi tâm hồn chúng ta và ban cho chúng ta tâm tình yêu thương tất cả mọi người như anh em. Bấy giờ, trong vui mừng và hoan lạc, chúng ta có thể nói với thánh Gioan: "Chúng tôi biết chúng tôi đã đi từ cõi chết đến sự sống bởi vì chúng tôi đã yêu mến anh em mình" (1Gio 3,14)

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập16
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm7
  • Hôm nay4,248
  • Tháng hiện tại123,883
  • Tổng lượt truy cập13,139,136
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây