THÁNH LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ SÔNG HINH

Thánh Thể và tạo dựng mới

Thứ tư - 01/05/2019 05:09
rong lời thiết lập bí tích Thánh Thể vào Bữa ăn tối của Chúa, Đức Giêsu trong Matthêô và Marcô đã nói: “Đây là máu giao ước của Ta”, và nối kết lời này với ơn tha thứ tội lỗi.
Thánh Thể và tạo dựng mới
Thánh Thể và tạo dựng mới
Harry Elias SJ

Trong lời thiết lập bí tích Thánh Thể vào Bữa ăn tối của Chúa, Đức Giêsu trong Matthêô và Marcô đã nói: “Đây là máu giao ước của Ta”, và nối kết lời này với ơn tha thứ tội lỗi. Trong khi đó, Đức Giêsu của Luca và Phaolô nói: “Chén này là giao ước mới trong máu Ta”, và rồi nói thêm: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Giao ước trong Kinh Thánh nói đến giao kèo của Thiên Chúa với một đối tác, mặc dù đôi khi giao kèo này không sử dụng từ “giao ước” mà là một cách nói khác: “Ta là Thiên Chúa của các ngươi và các ngươi là dân Ta”.

Người Do Thái biết đến nhiều giao ước vào thời Đức Giêsu – giao ước với ông Nôê, Abraham, Môisê và Đavít – như vậy những lời Đức Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể nhắc chúng ta về những bối cảnh xa hơn là ngày lễ Vượt Qua với hy tế con chiên Vượt Qua. Nhắc đến máu giao ước là nói đến máu trong hy tế đóng ấn việc trao ban Lề Luật cho ông Môisê (Xh 24, 5-8).[1] Tuy nhiên, chính hy tế của ngày lễ Xá Tội hằng năm (Lv 16) mới là hy tế mà trong đó máu được đổ ra để tha thứ tội lỗi – tội lỗi của vị thượng tế cũng như tội lỗi dân chúng đã phạm cách vô ý[2] theo như thư Do Thái (Dt 9,7).[3] Sự tha thứ tội lỗi cũng xuất hiện trong lời hứa của giao ước mới nơi sấm ngôn của Giêrêmia: “Này sẽ đến những ngày - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA - Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giuđa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai Cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: "Hãy học cho biết ĐỨC CHÚA", vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa. Israel sẽ tồn tại mãi” (Gr 31,31-34).

Tuy nhiên, cũng như sự nối kết với ơn tha thứ tội lỗi, chúng ta có thể thấy sự liên kết giữa giao ước mới với tạo dựng mới. Trong thư Do Thái (13,20)[4], máu của Đức Giêsu, vị mục tử cao cả, là máu của giao ước vĩnh cửu. Tác giả của thư này cho rằng giao ước mới là giao ước vĩnh cửu. Giao ước đầu tiên được Kinh Thánh nói đến là trong Stk 9,16. Nói với ông Nôê sau trận đại hồng thủy, đây là giao ước với toàn thể nhân loại, muôn thú và toàn trái đất. Giao ước vĩnh cửu cũng được gọi là giao ước hòa bình[5] trong  Isaia 54,10 và Êdêkiel 37,26. Cả Isaia 54 và Hôsê 2 cho thấy Thiên Chúa như một người chồng với dân mình mà tình yêu trước sau như một của Ngài sẽ không cho phép một trận đại lụt nào nữa trên mặt đất. Ngài sẽ mang hòa bình vĩnh cửu và sự hài hòa đến trái đất và tạo vật trên đó, cũng như sẵn sàng đáp ứng như cầu của chúng. Sự ô nhiễm trái đất được xem như hình phạt trong Isaia 24,58[6], đã được đảo ngược trong lại Isaia 25,6-8, phác họa núi Sion như là nơi bày ra bữa tiệc có thức ăn ngon và rượu tinh chế, nơi cái chết bị tiêu diệt mãi mãi.

Nơi Thánh Phaolô, tạo dựng mới không chỉ là một niềm hy vọng nhưng đã được thực hiện nơi những người mà Thiên Chúa gọi là dân của Ngài: “Cho nên ai ở trong Ðức Kitô, kẻ ấy là tạo thành mới: cũ đã qua đi, và này mới đã thành sự!”’(2 Cr 5,17). Song, mặc dù chúng ta được tạo dựng mới và đã “được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi trời” (Ep 2,6), sự sống của chúng ta đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa và sẽ được tỏ hiện trong vinh quang của nó khi Đức Kitô được mạc khải trọn vẹn (Cl 3,1-4). Phaolô không bao giờ để chúng ta quên rằng sự mới mẻ của tạo dựng dựa vào lòng trung thành của Đức Kitô khi hiến dâng thân xác và máu mình (Gl 6,14-15).

Trong Roma 8,18-30, Phaolô viết về niềm hy vọng được tái tạo dựng trong tương lai làm nổi bật lên mối liên hệ rối rắm giữa thế giới được tạo dựng và con cái Thiên Chúa, niềm hy vọng này rất gần với các ngôn sứ (chẳng hạn Giôen 1,8-10[7]) và lời kêu gọi của họ khóc than cho tình trạng của trái đất bị tàn phá vì sự bất tuân của con người. Sự nô lệ cho mục nát của tạo thành chứa đựng niềm hy vọng rằng nó sẽ được giải thoát và đi vào trong tự do vinh quang của con cái Thiên Chúa. Trong khi chờ đợi, không chỉ tạo dựng phi con người (non-human creation) nhưng chính chúng ta, những người là hoa trái đầu tiên của Thánh Thần, cũng rên siết trong lòng với niềm hy vọng được Thiên Chúa nhận làm con cái cũng như sự cứu chuộc của thân xác chúng ta. Chúng ta có thể chưa nhìn thấy điều mình trông mong nhưng nếu toàn thể tạo dựng nôn nóng chờ đợi sự tự do của mình, thì chính Thánh Thần sẽ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả. Thánh Phaolô đã nhìn thấy sự phục sinh thân xác như là nền tảng cho sự cứu chuộc của tạo dựng.

Thánh Phaolô không nối kết rõ ràng giữa phép rửa và Thánh Thể. Phép rửa trong Đức Kitô là phép rửa trong cái chết của Đức Kitô, là cái chết cho tội lỗi, nhưng sống lại trong sự sống mới với Thiên Chúa (Rm 6,3-4). Trong 1 Côrintô 10,14-22, khi đặt tương phản giữa việc ăn tế phẩm dâng cúng cho các ngẫu tượng với việc chia sẻ bàn tiệc của Thiên Chúa, Phaolô chấp nhận bàn tiệc của Thiên Chúa như bàn tiệc hy tế. Vì thế, trong khi phép rửa khai mào cho việc chia sẻ cái chết của Đức Kitô, thì nó cũng đưa chúng ta vào trong một thân thể của Đức Kitô, chúng ta là Giáo Hội của Ngài, với tư cách là một thân thể, chúng ta tiếp tục thông phần vào hy tế của Ngài (“vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” -  1 Cr 10,17). Phaolô kết thúc tường thuật Bữa ăn tối của Chúa với câu nói: “cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1 Cr 11,26). Hẳn nhiên, loan truyền đối với ngài là gồm cả lễ dâng để làm chứng cho sự mới mẻ của sự sống qua cách ăn nết ở chứ không phải bằng lời. “Phép cắt bì chính hiệu là phép cắt bì trong tâm hồn” (Rm 2,29) và sau này trong cùng bức thư ấy (12,1), ngài mời gọi cộng đoàn Roma hiến dâng thân mình làm của lễ sống động lên Thiên Chúa.

Gioan triển khai tính chất đặc biệt của Thánh Thể khi nhấn mạnh đến mối liên hệ của Thánh Thể với bánh manna trong hoang mạc, một sự nối kết rõ ràng trong những đoạn nói về việc hóa bánh ra nhiều ở cả bốn tin mừng. Bánh manna từ trời mà Đức kitô mang đến là sự hiện diện của Ngài như lễ dâng chính mình để đem lại cho chúng ta sự sống đời đời (Ga 6,53-54). Nó có thể được xem như là lương thực của sáng tạo mới dành cho những thụ tạo của sáng tạo mới, được ban cho Giáo Hội để mỗi người nhận được dưỡng chất thiêng liêng cần thiết để đổi mới toàn thể tạo dựng.
Tôi kết luận với lời giải thích về Thông điệp Laudato si’ của Đức Phanxicô, đặc biệt là số 236.[8] Sau khi nói rằng, được kết hợp với Chúa Con nhập thể hiện diện trong bí tích Thánh Thể, toàn thể vũ trụ tạ ơn Thiên Chúa, Đức Phanxicô tiếp tục trích dẫn Đức Gioan Phaolô II khi nói rằng bàn thờ mà trên đó Thánh Thể được cử hành một cách nào đó là bàn thờ của thế giới. Là dân tộc thánh, là hàng tư tế vương giả (1 Pr 2,9), cùng với Đức Kitô là Thượng Tế, chúng ta thi hành chức tư tế của giao ước mới, vĩnh cửu, cử hành lễ dâng ngợi khen và tạ ơn của sáng tạo mới.

Đoạn này tiếp tục với một trích dẫn từ Đức Bênêđictô XVI: trong bánh Thánh Thể, “cả sáng tạo hướng đến việc thần hoá, đến các tiệc thánh, đến sự kết hợp với Đấng Sáng Tạo”. Đây không chỉ là niềm hy vọng trong tương lai. Nó đang được thực hiện. Bánh và rượu của Thánh Thể được Đức Kitô nhận lấy vào trong lễ dâng chính mình, và được Chúa Thánh Thần chúc phúc, nó biến thành những mảnh vật chất đã được làm mới. Điều này là dấu hiệu cho thấy rằng của lễ dâng do lao công của đôi tay chúng ta, ngay cả khi dường như kết thúc trong thất bại, thì cũng được chúc phúc, cũng tràn đầy sự hiện diện biến hình của Đức Kitô. Chẳng hạn, tạo dựng mới được khai mào trong việc chữa lành những mối tương quan bằng sự sám hối và tha thứ, trong sự đấu tranh cho công lý và bình đẳng, trong việc chữa lành thân xác, tâm trí và tinh thần, trong việc tôn trọng trái đất và những thụ tạo trên đó, trong việc bảo tồn và làm cho chúng phát triển (những điều này cho đến nay dường như đang gặp thất bại). Tham dự vào bí tích Thánh Thể như là những chi thể của thân xác Đức Kitô, điều này giữ cho niềm hy vọng về một tạo dựng mới luôn sống động và thúc đẩy ta tiếp tục với những lễ dâng đặc thù của chính chúng ta để thần hóa chính mình và tạo dựng. Ta chia sẻ sự than vãn của Đức Kitô trên cái chết nhưng cũng còn trong sự trung thành của Ngài, trong niềm vui và quyền năng của chính Ngài là đấng phục sinh. Sự thần hóa trọn vẹn sẽ xảy ra, bởi một biến cố khải huyền nào đó, khi sự hiện diện của Đức Kitô đạt đến trạng thái viên mãn của nó và tỏ lộ trong vinh quang đầy đủ của nó. Khi ấy mọi sáng tạo sẽ hiện diện thật sự, không chỉ là thân xác phục sinh của Đức Kitô mà còn là những thân xác sống lại của chính chúng ta mà không mất đi bất kỳ cá tính hay mối tương quan nào.
 
[1] Rồi ông sai các thanh niên trong dân Ít-ra-en dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò làm hy lễ kỳ an tế ĐỨC CHÚA. Ông Mô-sê lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ. Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: "Tất cả những gì ĐỨC CHÚA đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo." Bấy giờ, ông Mô-sê lấy máu rảy lên dân và nói: "Đây là máu giao ước ĐỨC CHÚA đã lập với anh em, dựa trên những lời này."
[2] Lời của Đức Giêsu trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc mình làm” (Lc 23,34), (bị bỏ sót trong vài bản thảo cổ), có thể nói đến khía cạnh này: hy lễ xá tội của Đức Giêsu được hiến dâng giờ này là hy lễ một lần cho tất cả.
[3] Còn lều thứ hai, thì chỉ một mình vị thượng tế mới được vào mỗi năm một lần, đem theo máu để dâng làm của lễ đền tội cho chính mình và cho dân
[4] Thiên Chúa là nguồn mạch bình an đã đưa Đức Giêsu, Chúa chúng ta ra khỏi cái chết. Đức Giêsu là vị Mục Tử cao cả của đoàn chiên, là Đấng đã đổ máu mình ra để thiết lập giao ước vĩnh cửu
[5] Robert Murray SJ gọi nó là “Giao Ước Vũ Trụ” như tựa đề của cuốn sách The Cosmic Covenant: Biblical Themes of Justice, Peace and the Integrity of Creation, Sheed & Ward, London, 1992.
[6] Đất đã ra ô uế dưới bàn chân cư dân, vì chúng đã bỏ qua các điều luật, vi phạm các thánh chỉ, và phá vỡ giao ước muôn đời.
[7] Rên siết đi nào, tựa trinh nữ mặc áo vải thô khóc thương chồng sắp cưới thuở thanh xuân!  Nơi Nhà ĐỨC CHÚA, lễ hiến dâng và lễ tưới rượu chẳng được cử hành nữa. Hàng tư tế, bề tôi của ĐỨC CHÚA, đang u sầu như thể chịu tang.  Đồng ruộng bị tàn phá, đất đai cũng u sầu như thể chịu tang, vì lúa mì bị tàn phá, rượu mới đã cạn khô, dầu tươi chẳng còn nữa.
[8] Đức Phanxicô, Thông điệp Laudato si’ , số 236: “Sáng tạo tìm được ý nghĩa cao cả nhất của mình trong bí tích Thánh Thể. Hồng ân hướng đến sự biểu lộ theo cách khả giác, đạt được cách biểu lộ khác thường khi Thiên Chúa làm người, trở thành lương thực cho thụ tạo. Nơi đỉnh cao của mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa đã muốn tiến vào sâu thẳm của chúng ta qua một chút vật chất. Không phải từ trên cao xuống, nhưng từ trong thâm sâu tiến ra, để chúng ta có thể gặp gỡ Người trong thế giới của chúng ta. Trong bí tích Thánh Thể, sự viên mãn đã được hiện thực; đó là trung tâm đời sống của vũ trụ, điểm xuất phát tràn đầy của tình yêu và cuộc sống vô hạn. Kết hợp với Ngôi Con Nhập Thể đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể, toàn thể vũ trụ tạ ơn Thiên Chúa. Thật vậy, bí tích Thánh Thể tự tại là một hành động tình yêu mang tính vũ trụ: “Vâng, mang tính vũ trụ! Vì ngay cả khi được cử hành trên bàn thờ nhỏ trong một nhà thờ vùng quê, người ta vẫn luôn cử hành với một ý nghĩa xác tín trên bàn thờ của thế giới”. Bí tích Thánh Thể kết hợp trời với đất, ôm trọn và thẩm thấu vào tất cả sáng tạo. Thế giới xuất phát từ bàn tay của Thiên Chúa, quay về với Người trong một sự thờ phượng thánh thiện và viên mãn. Trong Bánh Thánh Thể “cả sáng tạo hướng đến việc thần hoá, đến các tiệc thánh, đến sự kết hợp với Đấng Sáng Tạo”. Vì thế, bí tích Thánh Thể cũng là nguồn ánh sáng và động lực để việc chăm sóc môi trường và mời gọi chúng ta trở thành những người gìn giữ toàn thể sáng tạo”. (Bản dịch của Lm. Augustinô Nguyễn văn Trinh)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LỊCH XỬ GIÁO XỨ
Giáo xứ Sông Hinh gồm có 550 giáo dân,tách ra từ giáo xứ Tịnh Sơn khoảng 10 km. Theo báo cáo hành chánh năm 2010 của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, diện tích rừng tự nhiên 886 km2, gồm 10 xã và 01 thị trấn với 82 thôn, buôn, khu phố; dân số của huyện khoảng 43.637 người. Trong đó, dân tộc kinh 23.224 người chiếm 53, 22 % còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 46,78 %. Địa hình kéo dài nằm ven dọc Hồ Thuỷ điện Sông Hinh bao quanh là các xã, thị trấn cách vị trí trung tâm, có xã xa nhất khoảng 30 km, địa hình đồi núi, phức tạp giao thông đi lại khó khăn.
Thống kê
  • Đang truy cập96
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm81
  • Hôm nay15,984
  • Tháng hiện tại211,185
  • Tổng lượt truy cập13,226,438
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây